LA08.060_Năng lực của lãnh đạo chính quyền cấp xã khu vực miền núi – Nghiên cứu từ tỉnh Sơn La
Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh (Khoa QTKD) Mã số: 62340102
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
(1) Kết quả từ nghiên cứu này có sự tương đồng với kết quả của các nghiên cứu trước khi chỉ ra 03 loại hình năng lực cơ bản: Năng lực tư duy-IQ; Năng lực cảm xúc-EQ; Năng lực huy động sự ủng hộ-XQ có ảnh hưởng thuận chiều đến kết quả lãnh đạo (Michael Edwards, 2015). Điểm mới của nghiên cứu là đã cho thấy và lượng hoá được ảnh hưởng của các yếu tố trên đến kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội xã trong trường hợp tỉnh miền núi Sơn La, từ đó làm cơ sở để đo lường ảnh hưởng này tại các tỉnh miền núi Việt Nam.
(2) Theo mô hình nghiên cứu ban đầu của luận án, năng lực lãnh đạo gồm 03 biến độc lập: IQ; EQ; XQ tác động đến biến phụ thuộc “Kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội xã”. Tuy nhiên, trong bối cảnh nghiên cứu ở các xã khu vực miền núi tỉnh Sơn La thì kết quả chạy phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho ra 10 biến độc lập và 4 biến phụ thuộc. Do vậy, tác giả luận án đã xác định được khung năng lực của lãnh đạo chính quyền cấp xã khu vực miền núi gồm 10 nhóm năng lực cơ bản cấu thành và xác định được 04 nhóm chính các tiêu chí đánh giá “Kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội xã”.
(3) Trong bối cảnh nghiên cứu ở các xã khu vực miền núi tỉnh Sơn La, tác giả sử dụng “Tổng hợp Báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2011-2016 các xã trên địa bàn tỉnh Sơn La” và “Bộ tiêu chí Quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020” kết hợp với kết quả nghiên cứu định tính để xây dựng thang đo cho biến phụ thuộc “Kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội xã”. Quá trình xây dựng thang đo hoàn toàn căn cứ vào tình hình thực tiễn và đặc thù các xã khu vực miền núi tỉnh Sơn La. Sau khi kiểm định độ tin cậy qua hệ số Cronbach’s Alpha thì còn 20/33 biến quan sát thoả mãn điều kiện có tương quan biến tổng > 0,3. Như vậy, việc xây dựng thang đo đạt yêu cầu và là một đóng góp mới của luận án. Bộ thang đo cũng chính là những tiêu chí đánh giá “Kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội xã” và do đó các xã khác thuộc khu vực miền núi nước ta có thể dựa vào kết quả nghiên cứu này để xác định hệ thống các tiêu chí đánh giá “Kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội xã” theo đặc điểm riêng của địa phương mình.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
(1) Các nhà tổ chức cấp trên, chính quyền và nhân dân các xã khu vực miền núi có thể căn cứ vào kết quả nghiên cứu này để lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã có đủ năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
(2) Kết quả nghiên cứu của luận án là một trong những cơ sở để xây dựng hoặc bổ sung thêm các tiêu chí mới trong đánh giá năng lực của lãnh đạo chính quyền cấp xã cũng như kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương ở khu vực miền núi.
(3) Khung năng lực được xây dựng trong luận án là thước đo cho các nhà lãnh đạo chính quyền cấp xã khu vực miền núi tự nhìn nhận và đánh giá bản thân, từ đó có căn cứ tin cậy để phát huy những năng lực lãnh đạo sở trường, khắc phục những năng lực lãnh đạo còn hạn chế cũng như bổ sung những năng lực lãnh đạo cần thiết.
(4) Kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở cho việc xây dựng các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính quyền cấp xã khu vực miền núi.