LA03.058_Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
Ngành dệt may là ngành có lợi thế của Việt Nam, qua 30 năm đổi mới phát triển, ngành dệt may đã có bước phát triển nhanh. Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt hơn 27 tỷ USD, đóng góp hơn 10% GDP và hơn 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tạo việc làm cho hơn 2,5 lao động tại hơn 6.000 doanh nghiệp [20]. Hàng dệt may Việt Nam đã có mặt tại cả năm khu vực nhập khẩu chính bao gồm Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc và các nước Đông Âu…. Thế nhưng năng lực cạnh tranh ngành dệt may nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế như: Năng suất lao động thấp; tình trạng “Nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm sẽ tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành; tỷ lệ nội địa hóa chỉ trên 50%; giá trị gia tăng của ngành thấp do công đoạn may phương thức gia công xuất khẩu là chủ yếu (CMT 65%, phương thức FOB I và FOB II khoảng 25%, ODM 9% và OBM chỉ 1%); Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết cụm ngành dệt may còn mờ nhạt [20]….
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, nhất là các FTA thế hệ mới như TPP, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thương mại dịch vụ toàn cầu, ranh giới giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài gần như bị san phẳng. Nhiều quốc gia chuyển sang mô hình công nghiệp hóa dựa trên sức cạnh tranh, khai thác và tạo lập lợi thế so sánh, chuyển lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phấn đấu chiếm lĩnh các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị đó.
Việt Nam tham gia các hiệp định này sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tăng quy mô và hình thành những tập đoàn kinh tế lớn đồng thời với xu thế cá thể hóa doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu về tác động của TPP đối với các nước tham gia đều cho thấy một dự báo rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số 12 nước tham gia Hiệp định này. Việc Việt Nam là “cường quốc dệt may” duy nhất của Châu Á tham gia TPP có thể được coi là cơ hội đối với ngành dệt may.
Theo nghiên cứu định lượng sử dụng mô hình cân bằng tổng thể tính toán được (CGE) của Peter Petri (2013), nếu Việt Nam không tham gia vào TPP thì đến năm 2025 thì kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 239 tỉ USD nhưng khi có TPP sẽ tăng thêm 67,9 tỉ USD lên 307 tỉ USD, trong đó mặt hàng dệt may và da giày sẽ có mức tăng cao nhất là 51,9 tỉ USD (tương ứng tốc độ tăng 45,9%) [20]. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm dệt may cũng được đánh giá là sẽ tăng thêm 12,9 tỉ USD trong cùng giai đoạn.
Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao sức cạnh tranh của các ngành sản xuất, trong đó có ngành dệt may… Do vậy việc nghiên cứu một cách tổng thể thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành dệt may nhằm tìm ra những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến việc củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, từ đó làm cơ sở cho việc đề ra những định hướng và các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh ngành dệt may. Nhận thức được vấn đề này, tác giả đã lựa chọn đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”, làm đề tài cho luận án tiến sĩ của mình nhằm mục đích giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra là nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may, tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế thách thức do các FTA thế hệ mới mang lại, nhất là TPP.