LA03.046_Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trên địa bàn Hải Phòng
1. Tính cấp thiết đề tài luận án
Hải Phòng nằm ở trung tâm vùng duyên hải Bắc bộ, có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.512,4 km2 ; có chiều dài bờ biển 125 km, là cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc Việt Nam để hội nhập quốc tế. Bờ biển Hải Phòng có những lợi thế vượt trội, nằm trong vùng năng động nhất của Việt Nam; là đầu mối giao thông quan trọng, gồm hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không, nối với các khu vực trong nước, phía nam Trung Quốc và quốc tế…. Hệ thống cảng biển giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và thành phố. Hiện tại, trên địa bàn thành phố đang tiến hành triển khai nhiều dự án có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Trường Đại học Hải Phòng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng…; có 10 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.548 ha, thu hút 404 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký gần 9,59 tỷ USD, giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 50.000 lao động [61].
Lợi thế về giao thông và vị trí địa lý đã giúp thương mại Hải Phòng phát triển và trở thành ngành có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Hoạt động thương mại phát triển khá mạnh và toàn diện; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2008-2013, bình quân đạt 43.691,1 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng bình quân đạt 17,96%/năm, đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 so với cả nước vào năm 2013 [61]. Hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tổ chức theo hướng kết hợp cả truyền thống và hiện đại. Hệ thống phân phối bán lẻ của thành phố đã từng bước hình thành và phát triển góp phần quan trọng thúc đẩy mở rộng lưu thông phân phối và lưu chuyển hàng hoá trên thị trường. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại đã được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu để Hải Phòng giữ vai trò trung tâm phát luồng hàng hoá của vùng và cả nước.
Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và mở cửa đối với ngành bán lẻ theo lộ trình cam kết. Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2009, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ cho các công ty nước ngoài; từ ngày 11/01/2010 đến ngày 11/01/2015, cho phép thành lập liên doanh để cung cấp dịch vụ liên quan đến sản xuất, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 50% vốn điều lệ của liên doanh; sau ngày 11/01/2015, sẽ cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Với lộ trình cam kết mở cửa thị trường bán lẻ này, trong một thời gian ngắn, nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước ngoài có những ưu thế về tài chính, trình độ quản trị doanh nghiệp, chủng loại hàng hoá đa dạng, giá cả hợp, phương thức thanh toán hiện đại, thuận tiện, cách thức phục vụ chuyên nghiệp… như Metro, BigC, Parkson,… đã từng bước thâm nhập và có “chỗ đứng” vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Những doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài đã tạo một áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước, với phương thức hoạt động phân phối bán lẻ chủ yếu là truyền thống. So với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước có những hạn chế như sau:
Một là, do năng lực tài chính yếu, vốn hạn chế dẫn đến phương thức giao dịch chủ yếu là “mua đứt, bán đoạn” hàng hóa, khả năng duy trì chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp đối với nguồn cung hàng hóa thấp; hình thức phân phối bán lẻ dưới dạng siêu thị, cửa hàng… có quy mô nhỏ về diện tích và chủng loại hàng hóa; lao động ít, thương hiệu chưa được quan tâm đầu tư.
Hai là, trình độ quản trị chưa chuyên nghiệp; trình độ của người lao động còn hạn chế, các công cụ hỗ trợ để tiếp cận thông tin, thị trường và nguồn cung hàng hóa còn thiếu, thị trường và nguồn cung hàng hóa…; thiếu các chuyên gia cao cấp ở các khâu từ quản lý, điều hành, tổ chức, hậu cần và kho vận, công nghệ thông tin cũng như giải quyết các vấn đề pháp lý.
Ba là, thiếu mặt bằng kinh doanh, chưa có quy hoạch địa điểm kinh doanh bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế; rất nhiều cửa hàng nhỏ mặt phố. Bốn là, hệ thống hậu cần như kho, bãi, hoặc liên kết và tổ chức nguồn cung cấp hàng hoá thiếu chuyên nghiệp. Vai trò kết nối nhà sản xuất với thị trường của khâu phân phối bán lẻ vẫn chưa được quan tâm, chú trọng. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm hàng hoá xuất khẩu ra nước ngoài, có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nhưng lại rất khó khăn để xuất hiện trong các siêu thị, trung tâm thương mại của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ Việt Nam.
Ngoài ra, hoạt động phân phối bán lẻ còn gặp những khó khăn, như: khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ còn thiếu và chồng chéo; các văn bản pháp luật thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, thay đổi; thủ tục hành chính còn phức tạp; hiệu lực thi hành của các văn bản pháp luật thấp, khó bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền sản phẩm; cơ sở hạ tầng thương mại còn yếu kém và lạc hậu nên việc xây dựng các cơ sở bán hàng lớn hoặc trung bình gặp khó khăn, nhất là khu vực nông thôn. Những tồn tại và yếu kém trên đây là do hoạt động phân phối bán lẻ của Việt Nam đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Để tận dụng những cơ hội, vượt qua những thách thức của toàn cầu hóa, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ của Việt Nam nói chung và của Hải Phòng nói riêng phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, tôi đã chọn đề tài nghiên cứu “Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trên địa bàn Hải Phòng” làm Luận án tiến sĩ của mình, nhằm góp phần nhỏ bé của mình xây dựng Hải Phòng ngày càng phát triển