ThS09.010_Nâng cao khả năng vận dụng tính trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính của hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam
1. Sự cần thiết của đề tài
Kiểm toán độc lập là một ngành dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cao, không chỉ cung cấp dịch vụ kiểm toán nhằm nâng cao độ tin cậy của các thông tin kinh tế, đặc biệt là thông tin tài chính, mà còn cung cấp các dịch vụ tư vấn nhằm giúp khách hàng đưa ra các giải pháp tối ưu về tài chính, kế toán, thuế, quản trị doanh nghiệp. Các dịch vụ này rất cần thiết trong nền kinh tế thị trường. Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cánh cửa gia nhập WTO đang được mở rộng.
Bên cạnh đó, chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, phát triển thị trường chứng khoán của Nhà nước đang có những bước phát triển nhất định. Những sự kiện này yêu cầu Việt Nam phải phát triển và mở cửa thị trường kiểm toán độc lập để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ kiểm toán và dịch vụ tư vấn ngày càng cao. Thực tế, ngành kiểm toán độc lập Việt Nam đang còn non trẻ so với thế giới, vì vậy chứa đựng nhiều rủi ro. Những năm đầu của thế kỷ 21 đã xảy ra hàng loạt sự đổ vỡ các công ty hàng đầu trên thế giới như Enron, WorldCom, Tyco International, Peregrine Systems…, trong đó có lỗi công ty kiểm toán. Một trong những sai phạm lớn nhất của công ty kiểm toán Arthur Anderson trong cuộc kiểm toán cho Enron đã bỏ qua một sai lệch $ 51 triệu được cho là không trọng yếu ( “sai lệch $ 51 triệu trên tổng lợi nhuận là $ 105 triệu”). Từ các sai phạm này đã làm cho những năm đầu thế kỷ 21, nghề nghiệp kiểm toán toàn cầu đã hiệu đính lại chuẩn mực trọng yếu theo hướng là đưa ra nhiều hơn các hướng dẫn vận dụng tính trọng yếu trong kiểm toán.
Với các lý do nêu trên, việc “Nâng cao khả năng vận dụng tính trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính của hoạt động kiểm toán độc lập tại Việt Nam” là một vấn đề bức xúc hiện nay, nhằm góp phần phát triển và hoàn thiện dịch vụ kiểm toán trong giai đoạn hội nhập nền kinh tế quốc tế.
2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam trong đó bao gồm các công ty kiểm toán đang hoạt động tại Việt Nam. Đề tài này không nghiên cứu các loại hình kiểm toán khác như kiểm toán nội bộ và kiểm toán Nhà nước.
3. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ giới hạn trong vấn đề tính trọng yếu trong kiểm toán BCTC. Nghiên cứu việc vận dụng tính trọng yếu trong giai đoạn lập kế hoạch, đánh giá các sai lệch khi thực hiện thử nghiệm cơ bản trong giai đoạn thực hiện kiểm toán và vận dụng tính trọng yếu trong giai đoạn hoàn thành kiểm toán.
4. Mục đích nghiên cứu
Là một đề tài nghiên cứu để ứng dụng vào một lĩnh vực cụ thể, mục đích chính của đề tài là: Nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về khái niệm tính trọng yếu trong kiểm toán BCTC và nghiên cứu việc vận dụng tính trọng yếu trong ngành kiểm toán độc lập tại Việt Nam. Tìm hiểu thực trạng về vận dụng tính trọng yếu tại một số công ty kiểm toán điển hình cho ngành kiểm toán độc lập. Đưa ra một quy trình vận dụng tính trọng yếu từ giai đoạn kế hoạch đến giai đoạn thực hiện và hoàn thành kiểm toán. Ngoài ra, đưa ra các giải pháp để hoàn thiện việc vận dụng tính trọng yếu cho ngành kiểm toán.
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn này là phương pháp mô tả kết hợp với phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh và phương pháp chuyên gia.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Đề tài này đưa ra một cách nhìn tổng quát về sự vận dụng trọng yếu của ngành kiểm toán độc lập Việt Nam trong thời điểm hiện tại, đồng thời đưa ra các giải pháp hoàn thiện việc vận dụng trọng yếu trong thời gian tới. Các giải pháp được đề cập trong đề tài này có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc ban hành các hướng dẫn chi tiết cho việc vận dụng tính trọng yếu cho ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam. Đồng thời nó cũng giúp cho các công ty kiểm toán có cơ sở và thông tin trong việc vận dụng tính trọng yếu cho riêng công ty mình sao cho phù hợp với sự phát triển của ngành.
7. Bố cục của luận văn
Luận văn này gồm 86 trang, 3 bảng biểu và 12 phụ lục. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung của luận văn gồm ba chương sau đây:
Chương 1: Tổng quan về trọng yếu và vận dụng trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính;
Chương 2: Thực trạng về việc vận dụng tính trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính tại Việt Nam;
Chương 3: Giải pháp nâng cao việc vận dụng tính trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính