ThS31_111_Nâng cao hiệu quả sử dụng thí nghiệm trong dạy học sinh học tế bào (sinh học 10)
1. Lí do lựa chọn đề tài
1.1. Xuất phát từ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học
Giáo dục – đào tạo luôn được xem là nhân tố quan trọng, quyết định cho sự phát triển kinh tế nhanh, mạnh và bền vững. Thế kỉ XXI được xem là thế kỉ của công nghệ thông tin và truyền thông , sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đã làm cho khối lượng tri thức của nhân loại tăng lên một cách nhanh chóng. Để không bị tụt hậu trong chặng đường thế kỉ này, giáo dục cần phải có sự đổi mới để đào tạo ra những con người năng động, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Nghị quyết Trung ương 2 khóa VII, Đảng ta xác định: “Đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, bậc học. Kết hợp tốt học đi đôi với hành, học tập gắn liền với lao động sản xuất, thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, gắn nhà trường với xã hội. Áp dụng những phương pháp dạy học hiện đại để bồi dưỡng cho HS năng lực tư duy sáng tạo…”. Điều này cho thấy để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì giáo dục đào tạo phải đổi mới về nội dung, phương pháp, phương tiện và thiết bị dạy học.
Luật Giáo dục 2005 được Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa X, kì họp thứ 10 thông qua đã quy định rõ : “Hoạt động giáo dục phải
được thực hiện theo nguyên lí học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” [45].
1.2. Xuất phát từ vị trí, vai trò của TN trong dạy học SH
Trong lí luận dạy học, sự thống nhất giữa trực quan và tư duy trừu tượng là một luận điểm có tính nguyên tắc nhằm đảm bảo cho quá trình dạy
học đạt được hiệu quả cao. Phương tiện trực quan là nguồn thông tin phong phú và đa dạng giúp HS lĩnh hội tri thức một cách cụ thể, chính xác, là con đường tốt nhất giúp HS tiếp cận hiện thực khách quan, góp phần khắc sâu, mở rộng, củng cố tri thức, phát triển năng lực tư duy, khả năng tìm tòi, khám phá và vận dụng tri thức.
TN có vị trí, vai trò quan trọng , đó là nguồn thông tin phong phú, đa dạng, giúp HS lĩnh hội tri thức một cách cụ thể, chính xác, là con đường tốt nhất tiếp cận với hiện thực khách quan. Sinh học là môn khoa học thực nghiệm. Hầu hết các hiện tượng, khái niệm, qui luật, quá trình trong SH đều bắt nguồn từ thực tiễn. Biểu diễn TN là một trong những phương pháp quan trọng để tổ chức HS nghiên cứu các hiện tượng SH [1],[14],[23],[36].
Đối với HS, TN là mô hình đại diện cho hiện thực khách quan, là cơ sở xuất phát cho quá trình nhận thức của HS; TN là cầu nối giữa lí thuyết và thực tiễn do đó nó là phương tiện duy nhất giúp HS hình thành kĩ năng, kĩ xảo thực hành và tư duy kĩ thuật; TN giúp HS đi sâu tìm hiểu bản chất của các hiện tượng và quá trình SH [1]. TN do GV biểu diễn phải là mẫu mực về thao tác, việc tổ chức hoạt động nhận thức của HS dựa trên các TN phải theo hướng tích cực, sáng tạo. Trong chương trình, SGK Sinh học THPT do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành năm 2006 thì một trong những mục tiêu quan trọng trong việc phát triển năng lực HS đó là rèn luyện, phát triển kĩ năng quan sát TN[8]. Đối với mỗi GV, việc sử dụng các TN trong dạy học SH là một yêu cầu quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông.
Trong SGK SH 10 các TN được sử dụng để học bài mới; củng cố, hoàn thiện kiến thức; kiểm tra, đánh giá kết quả. TN có thể do GV biểu diễn, hoặc do HS tự tiến hành. TN có thể được tiến hành trên lớp, trong phòng TN, ngoài vườn, ngoài ruộng hoặc tại nhà [1]. TN trong SGK có thể được bố trí trong các bài lí thuyết hoặc bài thực hành với thời gian tiến hành khác nhau và nhằm mục đích khác nhau.
1.3. Xuất phát từ thực trạng của việc sử dụng TN trong các trường THPT
TN thực hành đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy học nói chung và dạy học SH nói riêng, nhưng thực tế hiện nay việc sử dụng các TN
Sinh học vẫn còn rất hạn chế và chưa thực sự đem lại hiệu quả trong dạy học. Thiếu trang thiết bị hoặc trang thiết bị không đảm bảo chất lượng cùng với sự nhận thức chưa đúng đắn của GV đã làm cho việc sử dụng TN trong dạy học SH không được diễn ra thường xuyên. Những TN phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gia n cùng với năng lực sử dụng, khai thác, tổ chức HS nhận thức TN của GV còn hạn chế đã khiến cho hiệu quả sử dụng TN trong nhà trường phổ thông hiện nay chưa cao.
Mặt khác, do ít có trong nội dung thi cử nên GV không thường xuyên quan tâm đến việc tổ chức HS khai thác giá trị dạy học của các TN. HS ít
được tiến hành TN nên những kiến thức lí thuyết mà HS lĩnh hội được xa rời thực tiễn, HS khó hình thành kĩ năng, kĩ xảo thực hành và tư duy kĩ thuật. Do vậy, để khai thác hết giá trị dạy học của TN, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, gắn lí thuyết với thực tiễn, giúp HS hiểu rõ bản chất của các sự vật, hiện tượng SH thì GV cần thường xuyên sử dụng và sử dụng có hiệu quả các TN trong quá trình dạy học SH. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng các TN sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy học.
Do đó tôi chọn đề tài: Nâng cao hiệu quả sử dụng thí nghiệm trong dạy học sinh học tế bào (Sinh học 10)