LA07.033_Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa ở Việt Nam
- Lý do nghiên cứu luận án
Cổ phần hóa DNNN là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là giải pháp cơ bản của quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN với mục tiêu tạo động lực mới, đưa những nhân tố mới, cơ chế quản lý mới để nâng cao hiệu quả họat động sản xuất – kinh doanh của hệ thống DNNN. Với ý nghĩa đó, ngay từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ II (khóa VII), Đảng ta đã chủ trương chuyển một số xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần. Đến hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ III, khóa IX, Đảng ta lại tiếp tục khẳng định: “…đẩy mạnh CPH DNNN. Mục tiêu CPH DNNN là nhằm tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, để sử dụng hiệu quả vốn, tài sản nhà nước và huy động thêm vốn xã hội vào sản xuất – kinh doanh; tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động, có hiệu quả cho DNNN; phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động của cổ đông.” [9, tr.22].
Đến nay, mặc dù quá trình CPH có lịch sử 20 năm nhưng tiến trình CPH DNNN đang tiếp tục được đẩy mạnh trên phạm vi cả nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu là làm thế nào để thực hiện thành công mục tiêu CPH đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cổ phần. Thực hiện tốt vấn đề này, chính là cải thiện tình hình hoạt động và khả năng tiếp cận được với các nguồn lực từ bên ngoài, góp phần phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp. Do vậy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN sau CPH không chỉ là vấn đề của bản thân mỗi doanh nghiệp với tư cách là CTCP mà nó còn tác động to lớn đến tiến độ CPH DNNN và rất nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Khi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được cải thiện, sẽ giảm thiểu khả năng tổn thương đối với nền kinh tế trước các cuộc khủng hoảng, phục vụ cho việc hoạch định tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, là nguồn tích lũy chủ yếu để thực hiện tái sản xuất xã hội. Riêng đối với các doanh nghiệp sau CPH, nâng cao hiệu quả hoạt động sẽ góp phần củng cố quyền sở hữu của các nhà đầu tư, mang lại thu nhập cho người lao động, nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường và hơn thế nữa là sự khẳng định tính đúng đắn của một chủ trương lớn của Đảng về đổi mới và sắp xếp lại hệ thống DNNN cho phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi.
Do hiệu quả hoạt động có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn nên hầu hết các quốc gia trên thế giới đều khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Trước đây, ở Việt Nam trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung với thành phần kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều tuân theo kế hoạch của Nhà nước. Những vấn đề của sản xuất kinh doanh như sản xuất cái gì, như thế nào và cho ai đều do Nhà nước quyết định. Do vậy, các doanh nghiệp chưa coi trọng hiệu quả kinh tế và hạch toán kinh tế của doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức. Sau khi tiến hành đổi mới kinh tế, mô hình kinh tế thị trường ở nước ta từng bước được xác lập, mọi doanh nghiệp phải tự chủ về tài chính, tự xây dựng phương án kinh doanh, tự tìm đầu vào và đầu ra, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt kinh doanh của doanh nghiệp mình. Dưới tác động của các quy luật kinh tế khách quan trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất, coi hiệu quả kinh doanh là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện nay, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo xu hướng mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt, yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đối với các DNNN sau khi tiến hành CPH, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên rõ rệt. Những mục tiêu về CPH được thực hiện như phát huy quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp, tăng vốn nhà nước, huy động thêm vốn xã hội để đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh; đổi mới các quan hệ quản lý và phân phối sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động trở thành người chủ thực sự của doanh nghiệp sau khi cổ phần…
Trong quá trình CPH, rất nhiều Nghị định mới của Chính phủ được ban hành nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi tiến hành CPH DNNN và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiêp sau khi CPH. Tuy vậy, hoạt động của một số doanh nghiệp sau CPH bộc lộ những yếu kém, gặp nhiều khó khăn do không còn được hưởng những ưu đãi của nhà nước về tín dụng, đất đai, thông tin thị trường… Những vấn đề còn tồn đọng trong khi CPH như giải quyết lao động dôi dư; những phát sinh sau khi chuyển từ DNNN sang CTCP như quản trị, điều hành doanh nghiệp; mối quan hệ về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp CPH; quản lý phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp sau CPH; về tổ chức hoạt động của mô hình kinh doanh mới; hạn chế về nhận thức của cổ đông … Tất cả những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của CTCP sau CPH DNNN.
Để tìm hiểu thực trạng về tình hình hoạt động cũng như những vướng mắc, những trở lực ngăn cản hoạt động của các doanh nghiệp CPH, từ đó làm cơ sở đưa ra những kiến nghị và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy năng lực và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP sau khi CPH DNNN ở nước ta là việc làm rất có ý nghĩ về lý luận và thực tiễn. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài “Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa ở Việt Nam” làm luận án tiến sĩ kinh tế