LA01.079_Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho tỉnh Bắc Giang
– Những đóng góp về lý luận và học thuật
Luận án đã hệ thống hóa và làm rõ hơn vấn đề lý luận và thực tiễn về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng được khái niệm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng được hệ thống chỉ tiêu và quy trình nghiên cứu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho tỉnh Bắc Giang. Luận án là nghiên cứu đầu tiên sử dụng phương pháp nhân tố khám phá (EFA) nhằm phân tích và tìm nguyên nhân tác động làm cho các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị thấp điểm và giảm điểm tại tỉnh Bắc Giang.
– Những đóng góp về thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy có sự nhìn nhận khác nhau về nguyên nhân mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị đánh giá thấp điểm và giảm điểm giữa 3 nhóm được hỏi (các nhà lãnh đạo, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), nhóm cán bộ quản lý đánh giá mức độ ít quan trọng hơn so với nhóm doanh nghiệp điều này cũng lý giải một phần tại sao trong những năm qua tỉnh Bắc Giang đã đưa ra nhiều chính sách mà chưa thể cải thiện và nâng cao được các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp, vì các chính sách đó có thể chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn từ phía doanh nghiệp là những người có quyền đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó có 3 chỉ số (Chỉ số cạnh tranh bình đẳng; Chi phí không chính thức và Chỉ số thiết chế pháp lý) được cho là nguyên nhân ảnh hưởng nhất làm cho PCI của tỉnh Bắc Giang bị thấp điểm và giảm điểm trong thời gian qua.
Căn cứ vào bối cảnh trong và ngoài nước cùng với những định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2025, kết hợp với những hạn chế, thách thức của tỉnh, luận án đề xuất 02 nhóm giải pháp (nhóm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị thấp điểm và nhóm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh bị giảm điểm) và 04 kiến nghị nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho tỉnh Bắc Giang đến năm 2025.
KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC TIỄN
1. Ứng dụng trong học thuật và nghiên cứu khoa học
Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước, luận án chỉ ra các nguyên nhân làm cho các chỉ số PCI trong giai đoạn đến 2017 luôn bị đánh giá thấp điểm và giảm điểm so điểm trung vị của cả nước để đưa ra các giải pháp giúp cải thiện các chỉ số bị thấp điểm và giảm điểm trong giai đoạn tới
2. Ứng dụng trong thực tiễn quản lý:
Luận án đề xuất các giải pháp cho các chỉ số NLCT cấp tỉnh bị thấp điểm và giảm điểm nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư, phát triển ổn định các doanh nghiệp dân doanh để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở cấp tỉnh hiện nay.
Luận án là kênh cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà lãnh đạo tỉnh, thành phố, các cơ quan tham mưu, tổ chức kinh tế và các cá nhân tham khảo.
Các giải pháp mà luận án đưa ra không chỉ có ý nghĩa áp dụng thực tiễn đối với tỉnh Bắc Giang, mà mong muốn làm bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong vùng và trong khu vực, ứng dụng, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở cấp tỉnh hiện nay.
NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN BỎ NGỎ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
Luận án chưa chỉ ra lợi thế và bất lợi của tỉnh Bắc Giang ảnh hưởng tới việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây sẽ là nội dung gợi mở cho các hướng nghiên cứu tiếp theo.