ThS01.115_Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty Map Pacific Việt Nam đến 2015
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp. Năm 2009, giá trị sản lượng của nông nghiệp đạt 71,473 nghìn tỷ đồng (giá so sánh với năm 1994), tăng 1,32% so với năm 2008 và chiếm 13,85% tổng sản phẩm trong nước. Đóng góp của nông nghiệp vào tạo việc làm còn lớn hơn cả đóng góp của ngành này vào GDP. Trong năm 2009, có khoảng 62,4% lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, và thuỷ sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2009 đạt 15,4 tỷ USD. Việc tự do hóa sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, đã giúp Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Những nông sản quan trọng khác là cà phê, sợi bông, đậu phộng, cao su, đường, và trà.
Trong sản xuất nông nghiệp thì việc thâm canh luôn gắn liền với việc bảo vệ đối tượng nuôi trồng tránh khỏi sự tấn công của các loài sinh vật gây hại như sâu rầy, bệnh hại, cỏ dại, côn trùng. Thuốc bảo vệ thực vật đã và đang được sử dụng ngày càng tăng và là công cụ hữu ích để góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật hiện nay có sự tham gia của rất nhiều công ty trong nước cũng như các tập đoàn đa quốc gia cùng cạnh tranh và cung cấp các sản phẩm rất đa dạng về chủng loại và về số lượng.
Ngay sau khi chính thức gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện các cam kết của mình, cụ thể là ngày 12/02/2007 Chính phủ đã ra nghị định số 23/2007/NĐ-CP và tiếp theo sau là thông tư hướng dẫn số 09/2007/TT-BTM của Bộ Thương Mại ngày 17/07/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Và như thế các doanh nghiệp có vốn FDI không cần thiết phải có nhà máy sản xuất tại Việt Nam vẫn có thể nhập khẩu phân phối hàng hoá trên thị trường Việt Nam. Điều này đánh dấu bước cạnh tranh ngày cành gay gắt hơn trên thị trường nói chung và thị trường thuốc bảo vệ thực vật nói riêng.
Là một trong những công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường nông dược Việt Nam hiện nay, Công ty Map Pacific Việt Nam cũng đang phải đương đầu với những áp lực cạnh tranh từ những công ty trong nước cũng như các tập đoàn nông dược đa quốc gia. Trong thị trường cạnh tranh như thế, muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao như thời gian qua, Công ty Map Pacific cần phải có những biện pháp cấp bách để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường nông dược Việt nam.
Đây chính là lý do tác giả chọn đề tài “Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty Map Pacific Việt Nam đến 2015” làm đề tài tốt nghiệp Cao học kinh tế của mình.