LA08.052_Mối quan hệ giữa thực tiễn Quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động kinh doanh Trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ĐBSCL
1.2 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1.2.1 Mục tiêu chung
Nghiên cứu mối quan hệ của thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội, cam kết tổ chức với kết quả hoạt động của doanh nghiệp – trường hợp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, qua đó đề xuất các hàm ý quản trị nhằm hoàn thiện thực tiễn quản trị nguồn nhân lực gắn trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao cam kết tổ chức và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp.
1.2.2 Mục tiêu nghiên cứu cụ thể
Xác định các thành phần của thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội, cam kết tổ chức và kết quả hoạt động của doanh nghiệp chế biến thực phẩm
Đánh giá và phát triển thang đo thực tiễn quản trị nguồn nhân lực; trách nhiệm xã hội và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Kiểm định thang đo, mô hình lý thuyết về mối quan hệ giữa thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội, cam kết tổ chức và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Đề xuất các hàm ý quản trị nhằm hoàn thiện thực tiễn quản trị nguồn nhân lực gắn trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao sự cam kết tổ chức và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
1.2.3 Câu hỏi nghiên cứu
Các thành phần nào đo lường thực tiễn QTNNL, TNXH, cam kết tổ chức và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm?
Có sự khác biệt như thế nào về thang đo thực tiễn QTNNL, TNXH của các nghiên cứu trước và thực tế tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm?
Làm thế nào để định lượng mối quan hệ giữa các khái niệm thực tiễn QTNNL, TNXH, cam kết tổ chức và kết quả hoạt động doanh nghiệp ra sao?
Cần làm gì để hoàn thiện các hoạt động thực tiễn QTNNL, TNXH nhằm nâng cao sự cam kết tổ chức và kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chếbiến thực phẩm?
1.3 ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
1.3.1 Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu về thực tiễn quản trị nguồn nhân lực, mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội, cam kết tổ chức và tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
1.3.2 Đối tượng khảo sát:
Các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm đang hoạt động tại khu vực ĐBSCL.
1.4 PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Giới hạn nội dung nghiên cứu: Thực tiễn QTNNL và TNXH là một khái niệm tương đối rộng. Vì vậy, luận án chỉ giới hạn nghiên cứu trong phạm vi các hoạt động chính của QTNNL và những đánh giá của người nhân viên về hoạt động QTNNL và mức độ thực hiện TNXH của doanh nghiệp, phân tích mối quan hệ giữa thực tiễn QTNNL, TNXH đến cam kết tổ chức và kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Giới hạn không gian: Luận án nghiên cứu tiếp cận từ góc độ nhân viên có giữ chức vụ và nhân viên có thời gian làm việc khoảng 5 năm trở lên trong doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Khảo sát kiểm chứng vấn đề nghiên cứu tại một số tỉnh ĐBSCL.
Thời gian của dữ liệu thứ cấp được sử dụng trong nghiên cứu là qua 5 năm từ năm 2012 đến năm 2016, khi một số ngành quan trọng liên quan đến chế biến thực phẩm như chế biến thủy sản, chế biến thức ăn…. đang có những quy định ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, hơn nữa xã hội đòi hỏi có những tiêu chuẩn khắc khe hơn trong việc thực thi TNXH của doanh nghiệp đối với các bên có liên quan.
Số liệu sơ cấp được sử dụng để phân tích trong luận án được thu thập trực tiếp từ các đối tượng được khảo sát cuối năm 2016.
1.5 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được tiếp cận dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính, kết hợp với phỏng vấn chuyên gia và phân tích định lượng.
Trong đó, tiếp cận theo phương pháp định tính được tiến hành như sau: Trước tiên, tác giả thực hiện lược khảo tài liệu tổng quan nhằm tìm ra khoảng trống nghiên cứu, đề xuất mô hình nghiên cứu lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng kĩ thuật phỏng vấn chuyên gia, người quản lý để xây dựng và phát triển thang đo sơ bộ. Vì các yếu tố thành phần để đo lường các khái niệm nghiên cứu được sử dụng từ các nghiên cứu ở nước ngoài hoặc nghiên cứu tại Việt Nam nhưng khác phạm vi, lĩnh vực ngành nghề hoặc thời gian nghiên cứu tương đối lâu nên mức độ phù hợp là một vấn đề còn nhiều nghi vấn, do đó việc sử dụng kĩ thuật phỏng vấn chuyên gia, đối tượng được khảo sát cho phép điều chỉnh lại thang đo.
Việc phỏng vấn này sẽ thực hiện trong nghiên cứu thử nghiệm với quy mô nhỏ. Kết quả nghiên cứu cho phép tác giả điều chỉnh thang đo và bảng câu hỏi để triển khai đại trà.
Về phương pháp định lượng: Khảo sát định lượng được tiến hành với thang đo chuẩn (đã được điều chỉnh sau khi nghiên cứu sơ bộ) trên quy mô lớn đối với đối tượng là nhân viên và người quản lý đang làm việc tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Dữ liệu sau khi thu thập sẽ được phân tích nhằm khẳng định các thành phần cũng như các giá trị, độ tin cậy và các thành phần của thang đo thực tiễn quản trị nguồn nhân lực; trách nhiệm xã hội; cam kết tổ chức và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp theo là kiểm định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu.
1.6 CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
Cấu trúc của luận án được phân bổ thành năm chương, trình tự sắp xếp và nội dung chính của từng chương được thể hiện như sau:
Chương 1. Trình bày sự cần thiết của luận án, điểm mới của luận án so với các nghiên cứu trước đây, thể hiện các mục tiêu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và đối tượng khảo sát, phạm vi nghiên cứu và sơ lược phương pháp nghiên cứu, cấu trúc của luận án.
Chương 2. Trình bày cơ sở lý thuyết của luận án gồm: lý thuyết về thực tiễn Quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội, cam kết tổ chức, kết quả hoạt động kinh doanh và các lý thuyết liên quan như Quản trị nguồn nhân lực xanh, lý thuyết nhận diện xã hội, bên cạnh đó mô tả đặc điểm nguồn nhân lực và trách nhiệm xã hội của ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam, sơ lược về đặc điểm địa bàn nghiên cứu trên cơ sở đó hình thành các giả thuyết và đề xuất mô hình nghiên cứu sơ bộ.
Chương 3. Xây dựng thiết kế nghiên cứu bao gồm việc phác thảo thang đo nháp trên cơ sở các nghiên cứu trước đây và nghiên cứu định tính, hình thành thang đo sơ bộ, thảo luận cỡ mẫu, phân tích định lượng sơ bộ thông qua kiểm định Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA), tiến tới hình thành thang đo cho nghiên cứu chính thức.
Chương 4. Thảo luận mẫu nghiên cứu chính thức, phân tích mô tả đặc điểm mẫu nghiên cứu, phân tích nhân tố khẳng định (CFA) cho các khái niệm thành phần và mô hình tới hạn, phân tích độ tin cậy tổng hợp và tổng phương sai trích, kiểm định mô hình lý thuyết, kiểm định mô hình cạnh tranh, phân tích Bootstrap, kết luận và thảo luận về kết quả của các giả thuyết nghiên cứu.
Chương 5. Trình bày kết luận về những kết quả đạt được, mô tả ý nghĩa, những đúc kết rút ra từ luận án, cũng như những đóng góp của luận án về mặt khoa học, đồng thời đề xuất các hàm ý quản trị nhằm giúp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh thông qua hoạt động quản trị nguồn nhân lực cũng như mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với các bên có liên quan góp phần nâng cao cam kết tổ chức và kết quả hoạt động kinh doanh. Thể hiện những hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu kế tiếp.