LA17.041_Mô hình đánh giá kết quả học tập của Sinh viên trong đào tạo theo tín chỉ
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong xu thế đổi mới GDĐH Việt Nam hiện nay, vấn đề nổi lên hàng đầu là đổi mới để từng bước củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo. “Đổi mới hiện đại hóa chương trình GDĐH…thực hiện tốt đào tạo theo chế độ tín chỉ trong hệ thống GDĐH và giáo dục nghề nghiệp” [3, tr. 5]. Trong đó, đổi mới về quản lý giáo dục nói chung, đổi mới về tư duy quản lý chất lượng GDĐH nói riêng được coi là khâu đột phá trong đổi mới phát triển GDĐH. Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xu hướng hợp tác và cạnh tranh về “chất lượng” và “dịch vụ” càng nổi rõ hơn bao giờ hết, GDĐH cũng nằm trong quỹ đạo ấy. Do đó, lúc này người ta quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và làm thế nào có thể đảm bảo chất lượng trong GDĐH. Để thực hiện được điều này, trước hết cần thực hiện hoạt động ĐG để có được những chỉ số phản ánh hiện trạng về chất lượng đào tạo.
1.2. Có thể nói, SV vừa là đối tượng của quá trình đào tạo nhưng lại là chủ thể của hoạt động học tập ở đại học. Vì vậy, xét trong quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo trước hết được phản ánh thông qua KQHT đạt được của người học trong quá trình học tập so với mức độ đáp ứng yêu cầu của mục tiêu chương trình đào tạo.Tuy nhiên, trong lý luận và thực tiễn ĐG KQHT của SV hiện nay đang tồn tại những mâu thuẫn chủ yếu sau:
-Về mặt lý luận, ĐG KQHT của SV đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đào tạo nói chung và trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập nói riêng nhưng trong xu hướng chuyển sang đào tạo theo tín chỉ hiện nay, những nghiên cứu lý luận về hoạt động ĐG KQHT của SV ở đại học có tác dụng chỉ đạo, định hướng khả thi trong thực tế GDĐH vẫn còn bỏ ngõ; chưa có những nghiên cứu về mô hình ĐGKQHT theo định hướng PTNL của SV trong đào tạo theo tín chỉ .v.v.
-Về mặt thực tiễn, một số trường đại học đã thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến hạn cuối năm học 2010-2011 các trường đại học, cao đẳng trong cả nước phải áp dụng đào tạo theo tín chỉ [5, tr. 3]. Trong lộ trình chuyển đổi ấy đã và đang vướng mắc nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở hạ tầng, nguồn học liệu, chương trình đào tạo, phương thức quản lý đào tạo…Trong đó, vấn đề KT, thi cử, ĐGKQHT trong giáo dục nói chung và trong GDĐH nói riêng được cho là còn nặng nề, tốn kém [3, tr. 2]. Nhiều chủ trương, phương án, đề xuất cải tiến, đổi mới KT, ĐG, thi cử, tuyển sinh bậc GDĐH được đưa ra trên bình diện vĩ mô lẫn vi mô nhưng khi triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng. Thực tế hoạt động ĐGKQHT của SV hiện nay vẫn chưa thật sự làm thay đổi và thúc đẩy theo chiều hướng tích cực việc học tập của SV, việc giảng dạy của giảng viên và việc tổ chức, quản lý, đảm bảo chất lượng đào tạo ở đại học. Vì vậy mà một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần quan tâm trong trong đổi mới giáo dục- đào tạo ở nước ta hiện nay là đổi mới căn bản hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục- đào tạo.
1.3. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thông qua quá trình dạy học đại học, hoạt động ĐGKQHT trở thành công cụ hữu ích thúc đẩy sự hình thành và PTNL của SV. Trong khi đó, những nghiên cứu khoa học về ĐGKQHT trong GDĐH trong nước nhằm làm sáng tỏ về lý luận và góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn trong bối cảnh đổi mới đào tạo theo tín chỉ hiện nay còn mỏng, phân tán và thiếu tính định hướng tập trung. Một số vấn đề sau đây chưa được nghiên cứu thấu đáo như:
-Nghiên cứu bản chất, triết lý, tác động của đào tạo theo tín chỉ đến các yếu tố trong QTDHĐH;
– Nghiên cứu tiếp cận tối ưu về dạy- học và ĐGKQHT trong đào tạo theo tín chỉ;
– Nghiên cứu mô hình ĐGKQHT của SV trong đào tạo theo tín chỉ vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển năng lực người học và đảm bảo được thực chất kết quả đào tạo theo chuẩn đầu ra.
1.4. Rõ ràng, đào tạo đại học với nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh chuyển đổi sang học chế tín chỉ đã, đang và sẽ là xu hướng tất yếu trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH ở Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận sư phạm có tính chất định hướng tổng quát về mô hình ĐGKQHT của SV trong đào tạo theo tín chỉ qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo và ĐGKQHT của người học trong GDĐH là một trong những nội dung nghiên cứu có ý nghĩa cấp thiết.
Cụ thể là: – Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ tổng hợp các vấn đề lý luận chung về ĐG trong GDĐH nói chung và nêu bật được một số điểm cần quan tâm về ĐGKQHT trong đào tạo theo tín chỉ; từ đó đưa ra những nội dung lý luận cơ bản, cốt lõi, khẳng định và nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng và áp dụng mô hình ĐGKQHT theo định hướng PTNL của SV;- Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài đưa ra mô hình ĐGKQHT môn học theo định hướng PTNL SV có thể áp dụng trong thực tiễn đào tạo theo tín chỉ ở đại học hiện nay