LA16.017_Liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê bền vững – Nghiên cứu tại Tỉnh Sơn La
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp Mã số: 62620115
Nghiên cứu sinh: Đặng Huyền Trang Mã NCS: NCS34.01B1NN
Người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Văn Khôi,
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
Từ khung lý thuyết chung về liên kết kinh tế (LKKT) giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, luận án đã cập nhật, bổ sung và cụ thể hóa cơ sở lý thuyết cho phân tích, đánh giá liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ một sản phẩm có tính đặc thù, có quy mô lớn ở Việt Nam nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng – sản phẩm cà phê chè, với các điểm mới sau:
(1) LKKT giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê là liên kết hoạt động, trong đó có liên kết trong các chủ thể và liên kết giữa các chủ thể, liên kết vĩ mô và liên kết vĩ mô, liên kết trực tiếp và liên kết gián tiếp.
(2) LKKT giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê bền vững là tổng thể các hoạt động nhằm tạo sự gắn kết giữa các khâu, các chủ thể sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê một cách chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu gắn kết theo ngành hàng cà phê, nâng cao giá trị của từng khâu và của toàn ngành một cách bền vững. Tính bền vững được thể hiện cả về kinh tế, xã hội và môi trường và được đánh giá thông qua sự ổn định của các tiêu chí về kết quả và hiệu quả của liên kết kinh tế.
(3) Cơ sở của liên kết không chỉ từ phân công lao động, sự hình thành chuỗi giá trị ngành nông sản mà còn từ đặc điểm của chất lượng sản phẩm cà phê, đặc điểm về địa bàn với địa hình chia cắt, trình độ dân trí thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Sơn La so với các vùng khác….
(4) Luận án đã xây dựng hệ thống tiêu chí và phương pháp đánh giá kết quả và hiệu quả của liên kết kinh tế giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê bền vững làm cơ sở cho đánh giá thực tiễn mối liên kết kinh tế này ở tỉnh Sơn La một cách đồng bộ và khoa học.
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án
Luận án đã chỉ ra các bài học kinh nghiệm thực tiễn có thể áp dụng để thúc đẩy liên kết kinh tế ở Sơn La gồm: (1) Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch sản xuất và chế biến cà phê. (2) liên kết kinh tế được thực hiện theo nhiều cách phù hợp với trình độ từng vùng. (3) Vai trò chủ đạo trong mối LKKT thuộc về doanh nghiệp chế biến.
Liên kết kinh tế giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La mang tính tự phát, ở trình độ thấp, kém bền vững của các hoạt động liên kết; Hiệu quả của các mô hình liên kết lớn hơn so với mô hình không liên kết. Luận án đã chỉ các nhân tố quyết định đến mối LKKT trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê đó là: Cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia LKKT; quy mô sản xuất, trình độ tổ chức sản xuất, ý thức tuân thủ pháp luật…của các bên tham gia.
Luận án đã chỉ ra để tăng cường LKKT giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ cà phê bền vững ở tỉnh Sơn La cần thực hiện đồng bộ các hoạt động: rà soát quy hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy LKKT theo chuỗi giá trị, xây dựng hệ thống hạ tầng, lựa chọn các hình thức tổ chức, xây dựng cơ chế hỗ trợ, nâng cao vai trò các hiệp hội và nâng cao ý thức pháp luật của các bên trong mối LKKT.