ThS32.021_Lịch sử ban tuyên giáo huyện ủy sơn dương tỉnh tuyên quang (1946 – 2006)
1. Lý do chọn đề tài
Công tác Tuyên giáo là một bộ phận cấu thành của công tác xây dựng Đảng, chiếm vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng Cộng sản
Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nếu cán bộ đảng viên tư tưởng không nhất trí thì khác nào “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy thì không thể làm được cách mạng” [41, tr.288].
Trong tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng dân tộc, Sơn Dương là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, là vùng đất hội tụ các điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hoà”. Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược những năm giữa thế kỉ XX, Sơn Dương đã trở thành một trong những trung tâm căn cứ địa cách mạng, nơi sống và làm việc nhiều năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Mặt trận…
Thành tựu to lớn mà nhân dân các dân tộc Sơn Dương đã giành được 60 năm qua (1946 – 2006) trước hết là có đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao, thiết thực, cụ thể của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sơn Dương đối với công tác Tuyên giáo.
Lịch sử Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Sơn Dương (1946 – 2006) là lịch sử 60 năm của Ban đã cùng nhân dân các dân tộc trong huyện đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ Sơn Dương, Ban Tuyên giáo đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng lập nên những thành tích đáng tự hào, góp phần đưa Sơn Dương trở hành Huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồng thời, Ban Tuyên giáo đã cùng Đảng bộ và nhân dân trải qua chặng đường gian nan thử thách xây dựng chủ nghĩa xã hội, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, huyện mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghiên cứu lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Sơn Dương 60 năm qua là việc làm cần thiết mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn, là cơ sở cho các thế hệ lãnh đạo và cán bộ Ban ôn lại và phát huy sức mạnh truyền thống, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng. Xuất phát từ những lí do nêu trên, chúng tôi chọn “Lịch sử Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (1946 – 2006)”, làm đề tài Luận văn Thạc sĩ Sử học.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Công tác Tuyên giáo là một trong những đề tài thu hút các nhà nghiên cứu khoa học. Đến nay đã có tới hàng trăm công trình nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau được xuất bản. Liên quan đến đề tài có tính chất định hướng cho việc nghiên cứu là các văn kiện và nghị quyết của Đảng ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là các văn kiện Đại hội Đảng từ Hội nghị thành lập Đảng (3-2-1930) đến Đại hội X.
Một số công trình nghiên cứu, tập san, báo cáo của các phòng, ban được ấn hành trong thời gian từ năm 1946 đến năm 2006 đã đề cập tới sự phát triển của công tác Tuyên giáo trên địa bàn Sơn Dương. Trong đó, đáng chú ý là các công trình: “Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Dương 1941 – 2000”, Huyện uỷ Sơn Dương xuất bản năm 2005; tập ca khúc “Về với Sơn Dương” do Huyện uỷ Sơn Dương phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát hành năm 2005; cuốn “Truyền thống ngành Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Sơn Dương 1945 – 2005” do Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện Sơn Dương xuất bản 2007; cuốn “Bác Hồ với Sơn Dương – Sơn Dương với Bác Hồ” do Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sơn Dương xuất bản 2007.
Các công trình nêu trên tập trung làm rõ sự phát triển của công tác Tuyên giáo trong huyện Sơn Dương. Đặc biệt cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Dương 1941 – 2000” và các báo cáo tổng kết hằng năm của Đảng bộ, của các ban xây dựng Đảng, của Uỷ ban nhân dân huyện đã phác hoạ rõ nét về quá trình phát triển của công tác Tuyên giáo trong 60 năm qua. Các công trình nêu trên là những nguồn tư liệu quý giá giúp chúng tôi
thực hiện thành công đề tài Luận văn này