ThS33.009_Làn điệu sli, lượn và lễ hội Oóc Pò của người Nùng Phàn, Slình ở xã Hoà Bình huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên
1. Lý do chọn đề tài.
1.1. Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc, mỗi địa phương có những nét độc đáo riêng về văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất. Những nét riêng, nét độc đáo ấy tạo nên một vườn hoa muôn màu sắc, tạo nên sự thống nhất trong tính đa dạng của nền văn hoá Việt Nam. Vì vậy việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc đang là mục tiêu chung của toàn Đảng và nhân dân ta. Sưu tầm, nghiên cứu những sáng tác văn học dân gian đang được lưu truyền ở các địa phương cũng nằm trong mục tiêu đó.
Làn điệu sli, lượn của người Nùng Phàn Slình ở Hoà Bình – Đồng Hỷ
– Thái Nguyên phản ánh đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Nùng Phàn Slình ở nơi đây. Những lời ca dân gian ấy mang giá trị văn học to lớn nhưng chưa được nghiên cứu rộng rãi và sâu sắc. Đã có một số công trình nghiên cứu nhưng mới chỉ tiếp cận ở khía cạnh văn hoá. Các ban ngành đã bước đầu quan tâm nhưng chưa hệ thống, bộ phận ngữ văn chưa nghiên cứu cụ thể.
1.2. Bản thân là một giáo viên Ngữ văn, đang theo học cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam, quá trình giảng dạy và học tập đã giúp người viết nhận thức được những giá trị văn hoá, văn học dân gian có ý nghĩa hết sức to lớn đối với đời sống tinh thần của người dân. Việc nghiên cứu văn học dân gian nói chung, làn điệu sli, lượn và lễ hội Oóc Pò của người Nùng Phàn Slình ở xã Hoà Bình huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ giúp cho người viết tích luỹ kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi tình cảm thẩm mĩ và rèn luyện nhân cách. Từ đó giáo dục cho học sinh những tình cảm tốt đẹp về lòng yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy ở mỗi học sinh ý thức về việc giữ gìn phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
1.3. Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đồng Hỷ – Thái Nguyên, ngay từ khi còn học phổ thông, tôi đã được tiếp xúc, giao lưu và có mối quan hệ gần gũi với cộng đồng dân tộc Nùng ở xã Hoà Bình huyện Đồng Hỷ. Từng tham dự các lễ hội, được nghe những làn điệu sli, lượn của đồng bào nơi đây, tôi sớm có tình cảm, sự đam mê văn hoá của họ. Đặc biệt trong đợt thực tế tìm hiểu, sưu tầm các làn điệu sli, lượn, và lễ hội Oóc Pò, lòng nhiệt tình, sự say mê của những người dân nơi đây đã thúc đẩy tôi thực hiện đề tài này.
Đồng Hỷ là một vùng đất giàu truyền thống văn hoá với sự đa dạng của các dân tộc anh em cùng chung sống. Trước sự vận động và phát triển của xã hội, những yếu tố của cuộc sống hiện đại tác động mạnh đến đời sống của mỗi người dân. Thực tế: “Thanh niên bây giờ không mấy quan tâm đến văn hoá của dân tộc mình, số người thuộc, biết hát những làn điệu sli, lượn ngày càng ít đi…” (Lời của Ông Toòng ở xóm Tân Đô xã Hoà Bình huyện Đồng Hỷ), cho thấy sự cần thiết trong việc bảo tồn nét văn hoá của dân tộc Nùng. Thực hiện đề tài này, tôi mong sẽ góp phần bảo tồn gìn giữ những giá trị văn hoá quý báu đang có nguy cơ bị mất đi đó.
Qua việc nghiên cứu làn điệu sli, lượn và lễ hội Oóc Pò của người Nùng ở Hoà Bình – Đồng Hỷ – Thái Nguyên, tôi mong sẽ đóng góp một phần vào việc gìn giữ những giá trị văn học dân gian của địa phương, cũng là góp phần vào việc gìn giữ những giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc. Chính vì những lẽ trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài: “Sli, lượn và lễ hội Oóc Pò của người Nùng Phàn Slình ở Hoà Bình – Đồng Hỷ – Thái Nguyên”,với mong muốn đóng góp một phần vào việc nghiên cứu Văn học dân gian hiện nay