LA20.125_Nghiên cứu các hình thái sa trực tràng kiểu túi với hỗ trợ của cộng hưởng từ độn
Sa trực tràng kiểu túi (STTKT) được định nghĩa là sự thoát vị của thành trước trực tràng tạo cấu trúc dạng túi nhô vào thành sau âm đạo, do tổn thương nhão hoặc rách vách trực tràng-âm đạo [23], [62], [86]. STTKT là một trong những rối loạn chức năng vùng đáy chậu gây ra do tình trạng suy yếu hoặc mất khả năng nâng đỡ của hệ thống dây chằng và cân cơ sàn chậu [36]. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nữ với tỷ lệ thay đổi từ 20% – 80%, ít khi gặp ở namgiới [70]. Đa số bệnh nhân (BN) là người lớn tuổi, có sa sàn chậu và có thể gặp ở 78% – 99% phụ nữ sau khi sinh con [69], [113], [129].
STTKT gây ứ đọng hay kẹt phân trong túi sa. 75% – 88% BN STTKT đến khám vì rối loạn đại tiện, có thể là táo bón, đại tiện không hết phân hay đại tiện khó phải dùng tay trợ giúp [85], [88]. Ngoài ra, có các triệu chứng phụ khoa như trằn nặng vùng chậu, giao hợp đau, cảm giác có khối đè vào âm đạo hoặc những rối loạn tiết niệu như són tiểu, tiểu không tự chủ [65] , [93]. Một số trường hợp BN hoàn toàn không có triệu chứng. Khi dùng tay thăm khám qua ngả âm đạo và trực tràng, bác sĩ có thể nhìn thấy và sờ được khối phồng của STTKT lồi vào âm đạo lúc BN rặn gắng sức. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kỹ năng khám bệnh, bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm lẫn khối phồng của STTKT với khối sa ruột non hay sa ĐTCH.
Do sàn chậu là sự hợp nhất toàn vẹn của ba khoang tiết niệu, sinh dục và hậu môn-trực tràng nên các rối loạn vùng này thường xảy ra đồng thời ở nhiều khoang [17]. Vì vậy, khi chẩn đoán STTKT cần lưu ý thêm tình trạng sa tạng chậu đi kèm nhằm lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả. Để có được chẩn đoán chính xác và đầy đủ, ngoài lâm sàng thì sự hỗ trợ của cận lâm sàng và hình ảnh học là không thể thiếu, đặc biệt là X quang động tống phân và cộng hưởng từ (CHT) động sàn chậu. X quang động tống phân được thực hiện từ những năm 1950 và ngày càng được cải tiến. Hạn chế của kỹ thuật này là chỉ cho hình chiếu trên một mặt phẳng, không đánh giá được tổn thương mô mềm và BN có nguy cơ nhiễm tia xạ cao, nhất là ở phụ nữ trẻ [41], [126]. Ngày nay, CHT với các chuỗi xung nhanh đã khắc phục nhược điểm của X quang, giúp khảo sát đồng thời sa các tạng chậu và hoạt động tống phân của trực tràng.
Trên thế giới, trong khoảng ba thập kỷ gần đây đã có rất nhiều nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh, lựa chọn phương tiện chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh STTKT nói riêng và bệnh lý vùng sàn chậu nói chung. Riêng ở nước ta, STTKT dù phổ biến nhưng chưa được thầy thuốc lẫn người bệnh quan tâm đúng mực. Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót do triệu chứng không đặc hiệu và BN khám không đúng chuyên khoa. Các nghiên cứu báo cáo về vấn đề này cũng có rất ít. Khởi đầu là nghiên cứu của Nguyễn Đình Hối và cộng sự [3] đánh giá “Vai trò X quang động trong chẩn đoán nguyên
nhân táo bón” báo cáo vào năm 2005. Tiếp đến là các nghiên cứu của Nguyễn Thị Thùy Linh và cộng sự về vai trò của CHT động trong chẩn đoán rối loạn thoát phân (năm 2008) [5] và các bệnh lý sàn chậu (năm 2009) [4], CHT động ở nhóm nữ 30-60 tuổi (năm 2011) [5]. Bên cạnh đó là vài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đình Hối, Dương Phước Hưng, Nguyễn Trung Vinh và cộng sự [2], [9], [10] đánh g iá các phương pháp phẫu thuật STTKT và phục hồi sàn chậu dựa trên kết quả X quang và CHT động. Kết quả cho thấy CHT độngđánh giá được toàn diện vùng sàn chậu, giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp dieu trị cho BN hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về vai trò của CHT động trong chẩn đoán STTKT, phân tích các đặc điểm hình ảnh túi sa và mối liên quan giữa STTKT với các bệnh thường gặp khác của sàn chậu. Chúng tôi mong muốn từ kết quả nghiên cứu đạt được sẽ cung cấp một tầm nhìn bao quát hơn về STTKT nói riêng và những bệnh lý sàn chậu khác ở người Việt Nam nói chung cho các bác sĩ chuyên ngành tiết niệu, phụ khoa và hậu môn -trực tràng.
Với các lý do trên, chúng tôi thực hiện: “Nghiên cứu các hình thái sa trực tràng kiểu túi với hỗ trợ của cộng hưởng từ động”. Nghiên cứu này được xem là cần thiết trong thời điểm hiện nay với câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là: Qua hình ảnh CHT động, tỷ lệ và đặc điểm hình thái sa trực tràng kiểu túi của bệnh nhân nữ có rối loạn cơ năng sàn chậu là bao nhiêu và thế
nào? Các yếu tố nào liên quan đến đặc điểm hình thái sa trực tràng kiểu túi?