LA01.058_Hoàn thiện kế toán chi phí, doanh thu, kết quả kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất thép thuộc Tổng công ty thép Việt Nam
Vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghiệp thép đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã được Đảng và Nhà nước sớm nhận thức rõ và hết sức quan tâm. Ngay từ những năm 1960, khi đất nước còn rất khó khăn, Đảng và Nhà nước đã dồn sức xây dựng Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên – chiếc nôi đầu tiên của ngành thép Việt Nam, tạo tiền đề phát triển công nghiệp thép Việt Nam. Tuy vậy, do những điều kiện khắc nghiệt của những năm tháng chiến tranh, ngành thép Việt Nam đã không có điều kiện phát triển được như mong muốn.
Bước vào thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước cũng đã có đã có những chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp thép Việt Nam. Là một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam đã và đang từng bước tiến vào hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập kinh tế thế giới là điều kiện thuận lợi và quan trọng cho nền kinh tế nước ta phát triển, nhưng bên cạnh đó nền kinh tế thị trường với những quy luật khắc nghiệt của nó cũng có những ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của các DN Việt Nam. Các DNSX thép tại Việt Nam cũng không nằm ngoài những thách thức đó.
Ngành thép Việt Nam đã có nhiều cố gắng khai thác, cải tạo và mở rộng những cơ sở SX cũ và liên doanh với nước ngoài, tăng năng lực SX. Tuy nhiên, ngành thép Việt Nam còn bộc lộ một số tồn tại, yếu kém. Sự yếu kém này thể hiện qua các mặt sau: Năng lực SX phôi thép quá nhỏ bé; Cơ cấu mặt hàng SX hẹp, đơn điệu (có một số sản phẩm cung vượt xa so với cầu, nhưng có nhiều sản phẩm phải nhập khẩu); Trang thiết bị có qui mô nhỏ, lạc hậu, trình độ công nghệ và mức độ tự động hóa thấp; Chi phí SX lớn, năng suất lao động thấp, mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng cao, chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Điều đó dẫn tới khả năng cạnh tranh thấp, khả năng xuất khẩu hạn chế, hiệu quả SXKD chưa cao, còn phải dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước.
Trong những năm gần đây, ngành thép Việt Nam đang rơi vào tình trạng khốn khó, các DN lao đao vì lượng hàng tồn đọng lớn lên đến hàng triệu tấn, thị trường tiêu thụ co hẹp. Hầu hết các DN thép Việt Nam hiện nay đang đứng trước khó khăn lớn với nguy cơ phá sản vì lượng tồn kho lên cao, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường tiêu thụ lại co hẹp cùng với sự thâm nhập của thép ngoại. Các nhà máy cán thép trong nước đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất, công suất cán thép sử dụng chỉ đạt 60- 70%, các nhà máy hầu hết SX cầm chừng, một số nhà máy công bố tạm ngừng SX [57].
Các nhà chuyên môn hiện đang tìm một “giải pháp hoàn hảo”, để đưa ngành Thép Việt Nam phát triển bền vững. Trong khi cuộc “bàn thảo” ấy chưa tới hồi kết, thì DN ngành thép vẫn đang tự tìm phương án để phát triển ngành thép. Để tồn tại và phát triển một cách bền vững các DN đã nhận thấy sự cần thiết phải có chuyển biến mang tính đột phá ở tầm vĩ mô. Đồng thời đòi hỏi mỗi DN cần
tổ chức lại SX, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Mặt khác các DN cần phải áp dụng các biện pháp quản lý khoa học tiên tiến, sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý doanh nghiệp để giảm CP, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường. Trong hệ thống các công cụ QLDN, kế toán là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu nhất, giúp cho các nhà quản trị DN có được những thông tin chính xác, trung thực và khách quan để kịp thời đưa ra các phương án kinh doanh hiệu quả nhất. Với chức năng cung cấp thông tin và kiểm tra các hoạt động kinh tế tài chính trong DN nên công tác kế toán ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của DN.
Trong hệ thống các phần hành kế toán, phần hành kế toán CP, DT, KQKD là một trong những phần hành rất quan trọng. Các thông tin về CP, DT, KQKD giúp ích rất nhiều cho các nhà quản trị DN, chất lượng thông tin của phần hành kế toán CP, DT, KQKD được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đảm bảo sự an toàn và khả năng mang lại thắng lợi cho các quyết định kinh doanh của DN.
Trong những năm gần đây, hệ thống kế toán nói chung, kế toán CP, DT, KQKD nói riêng đã từng bước được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Song thực tế công tác kế toán CP, DT, KQKD trong các DN Việt Nam nói chung và DNSX thép nói riêng vẫn còn nhiều điểm bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với thông lệ, chuẩn
mực kế toán quốc tế và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu quản lý của DN. Sự bất cập trong công tác kế toán CP, DT, KQKD đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng tài chính của các DN, làm giảm hiệu quả của hệ thống kiểm soát và đánh giá của DN. Xuất phát từ lý luận và thực tiễn trên, luận án nghiên cứu và chọn đề tài “Hoàn thiện kế toán chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh trong các Công ty sản xuất thép thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam”, nhằm góp phần giúp các Cty sản xuất thép phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường.