LA02.213_Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam
Mục đích nghiên cứu của luận án.
Nghiên cứu luận án nhằm mục đích sau:
– Sưu tầm, tổng hợp, hệ thống hóa, góp phần bổ sung và hoàn thiện thêm các vấn đề lý luận cơ bản về kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan.
– Đánh giá xác đáng thực trạng kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam, chỉ ra những điểm còn tồn tại và làm rõ nguyên nhân của những tồn tại đó.
– Đề xuất một số giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan đối với trị giá hải quan ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đối tượng nghiên cứu.
Đối tượng nghiên cứu của luận án là KTSTQ về TGHQ ở Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu:
Nội dung nghiên cứu: Kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan tồn tại trong một môi trường pháp lý rộng lớn và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do phạm vi điều chỉnh rộng nên phạm vi nghiên cứu của luận án không bao gồm toàn bộ hệ thống pháp luật điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan, mà chỉ tập trung những nội dung chủ yếu về kiểm tra trị giá hải quan trong điều kiện sau thông quan do cơ quan hải quan thực hiện.
Thời gian nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác KTSTQ về trị giá hải quan từ năm 2006 (thời điểm khi Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực) đến năm 2013. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp cho những năm sắp tới (đến 2020 và tiếp theo)
Địa bàn nghiên cứu: Để có số liệu phục vụ nghiên cứu, luận án sẽ tập trung nghiên cứu chủ yếu KTSTQ về TGHQ của cơ quan hải quan Việt Nam tại Tổng Cục Hải quan với một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng…
Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
– Phương pháp nghiên cứu dữ liệu thứ cấp: Phương pháp này được vận dụng chủ yếu nhằm xem xét, hệ thống hóa và tóm tắt những kết quả nghiên cứu có liên quan tới đề tài luận án.
– Phương pháp hệ thống hóa, tổng hợp và phân tích, thống kê: Thông qua phương pháp này, các thông tin đơn lẻ sẽ được tổng hợp, hệ thống hóa và xâu chuỗi thành các nhóm vấn đề; được phân tích, khái quát hóa để xây dựng khung phân tích theo yêu cầu của đề tài luận án.
– Phương pháp so sánh: Phương pháp này được sử dụng để so sánh, đối chiếu giữa quy định của pháp luật hải quan với thực tế thực hiện theo yêu cầu của đề tài luận án.
– Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình: Thông qua nghiên cứu trường hợp điển hình ở một số nước trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
– Phương pháp chuyên gia: Phương pháp này được sử dụng để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, đồng nghiệp trong nước và ngoài nước về những vấn đề thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án.
Ngoài các phương pháp nghiên cứu trên, quá trình thực hiện đề tài luận án cũng dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đề tài cũng dựa trên các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án.
Luận án làm sáng tỏ được một số vấn đề lý luận cơ bản về kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan. Luận án đưa ra một số kết luận đánh giá mang tính khoa học, góp phần tạo luận cứ về lý luận và thực tiễn cho việc quản lý kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan.
Luận án nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan của một số nước trên thế giới và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Luận án đánh giá thực trạng kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam thời gian qua, phát hiện những điểm mạnh, những mặt yếu kém và chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém đó.
Luận án đề xuất phương hướng và một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những yếu kém trong công tác kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan hiện nay, trong tiến trình hiện đại hóa hải quan thời gian tới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các giải pháp này sử dụng trong dài hạn và ngắn hạn, phù hợp với chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, sẽ mang tính chất đột phá trong nhận thức trong phương pháp thực hiện KTSTQ đối với TGHQ ở Việt Nam hiện nay.
Luận án là công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu, có giá trị về lý luận và thực tiễn về kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam, đồng thời là tiền đề để phát triển các nghiên cứu tiếp theo.
Luận án là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu và là tài liệu tham khảo cho các cơ quan hoạch định chính sách xây dựng cơ chế quản lý đối với kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan trong bối cảnh hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của luận án là nguồn tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho Cục kiểm tra sau thông quan, các Chi Cục KTSTQ ở Việt Nam trong công tác triển khai nghiệp vụ KTSTQ về trị giá Hải quan.
Kết cấu của luận án.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung luận án được kết cấu gồm 4 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến đề tài luận án .
Chương 2: Trị giá hải quan và kiểm tra sau thông quan đối với trị giá hải quan.
Chương 3: Thực trạng kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam.
Chương 4: Giải pháp tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan ở Việt Nam.