LA02.077_Kiểm soát hoạt động chuyển giá trong các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trải qua hơn 30 năm đổi mới với những cải cách mở cửa hội nhập cùng nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã có những bước tiến trong việc thu hút vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt là dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI. Tuy trải qua một số giai đoạn thăng trầm, song nhìn chung nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện chủ yếu là của các công ty đa quốc gia (MNCs) trên thế giới. Đầu tư từ các công ty đa quốc gia đang là lời giải cho bài toán làm thế nào nâng cao trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Có thể khẳng định rằng, FDI là nguồn cung cấp vốn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, là động lực thúc đẩy và tạo nên tính năng động, cạnh tranh cho thị trường nước ta.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, hình thức đầu tư này cũng đang cho thấy một hiện tượng đáng quan ngại: nhiều doanh nghiệp FDI – chi nhánh của các công ty đa quốc gia tại Việt Nam kê khai thua lỗ kéo dài trong nhiều năm làm cho ngân sách thất thu một khoản thuế rất lớn, đồng thời tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, nhiều khả năng dẫn tới hiện tượng lũng đoạn thị trường, tác động không tốt đến cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực FDI cũng như mục tiêu thu hút luồng vốn này của Chính phủ.
Trước thực trạng nêu trên, vấn đề chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI đang được đề cập đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Theo các số liệu thống kê, có khoảng 70% các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh kê khai thua lỗ kéo dài; ở phạm vi cả nước con số này là trên 50%; dù thực tế phát triển rất tốt và tăng trưởng với tỷ lệ cao. Tình trạng “lỗ giả, lãi thật”; tình trạng ngày càng có nhiều chi nhánh công ty đa quốc gia lớn sau rất nhiều năm hoạt động tại Việt Nam không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đã và đang đặt ra thách thức rất lớn cho các nhà quản lý kinh tế; đồng thời tạo áp lực lên các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh. Trước tình hình đó, Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều biện pháp mà nổi bật nhất là xây dựng và thực hiện hướng dẫn việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết; thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về giá. Đồng thời, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và các địa phương cũng đã bắt tay vào cuộc với nhiều giải pháp cụ thể, tích cực. Tuy nhiên, tình hình “thua lỗ” vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng; đồng thời, vấn đề kiểm soát chuyển giá cũng đang gặp rất nhiều thách thức.
Xuất phát từ tình hình nêu trên cũng như qua tìm hiểu của nghiên cứu sinh và để phục vụ cho công việc chuyên môn, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài “Kiểm soát hoạt động chuyển giá trong các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam” làm đề tài luận án tiến sĩ kinh tế của mình.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát là đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động chuyển giá trong các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể:
• Làm rõ thêm những vấn đề lý luận về công ty đa quốc gia và hoạt động chuyển giá.
• Hoàn thiện khung lý thuyết về kiểm soát hoạt động chuyển giá trên cơ sở nghiên cứu các hướng dẫn kiểm soát chuyển giá của các tổ chức quốc gia, các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
• Phân tích thực trạng chuyển giá tại Việt Nam, chỉ ra những hình thức chuyển giá được các chi nhánh MNCs tại Việt Nam thực hiện. Phân tích thực trạng hoạt động kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam trên nhiều góc độ: từ hoàn thiện pháp luật kiểm soát chuyển giá đến thực hiện các biện pháp mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ; chỉ rõ những thành tựu và hạn chế của công tác này.
• Đề xuất các giải pháp xuất phát từ tình hình thực tiễn, có cơ sở để kiểm soát một cách có hiệu quả hoạt động chuyển giá của các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sinh lựa chọn phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử dựa trên cơ sở các hiện tượng khách quan và các quy luật kinh tế xã hội. Đồng thời, nghiên cứu sinh sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu. Cụ thể:
a) Phương pháp thu thập và xử lý thông tin
Phương pháp thu thập và xử lý thông tin được nghiên cứu sinh sử dụng để thu thập các tài liệu sơ cấp và thứ cấp. Đó là các báo cáo tài chính của một số chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam; các báo cáo kết quả thanh tra chi nhánh công ty đa quốc gia của Tổng cục Thuế và Cục Thuế một số địa phương; một số kết luận thanh tra các vi phạm về nghĩa vụ thuế nói chung, nghi vấn chuyển giá nói riêng của Thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước; các văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo, đề án, chương trình có liên quan của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Thuế và cơ quan thuế một số địa phương. Cùng với đó là các đề án, công trình nghiên cứu khoa học các cấp, các luận án tiến sĩ kinh tế, thạc sĩ kinh tế, các bài báo khoa học, bài báo thời sự ở cả trong và ngoài nước có liên quan đến công ty đa quốc gia, tài chính công ty đa quốc gia và hoạt động chuyển giá. Nghiên cứu sinh đã xử lý các thông tin từ các tài liệu này nhằm đạt được các mục tiêu sau
• Hệ thống hóa được những kết quả nghiên cứu trước luận án, tìm ra những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại cũng như chỉ ra khoảng hở nghiên cứu mà luận án cần hướng tới, từ đó tìm ra điểm mới của vấn đề.
• Tìm kiếm, thu thập các căn cứ khoa học cũng như các số liệu từ các nguồn tài liệu đáng tin cậy làm cơ sở khách quan cho việc hình thành các luận điểm, luận cứ và luận chứng trên cả góc độ lý luận và thực tiễn.
• Trình bày kết luận, kết quả nghiên cứu của luận án theo cách tiếp cận riêng của nghiên cứu sinh.
b) Phương pháp phân tích
Phương pháp phân tích được sử dụng để phân tích các số liệu liên quan đến các vấn đề về mua bán hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ phi tài chính và tài chính (hoạt động chuyển giao nội bộ) của các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam với công ty mẹ cũng như với các bên có quan hệ liên kết. Cùng với đó, phương pháp được sử dụng trong việc phân tích các hình thức, quá trình mà chi nhánh công ty đa quốc gia triển khai để thực hiện hoạt động chuyển giá. Luận án đã phân tích một số số liệu để thấy được tác động của chuyển giá trong các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam, trong đó tập trung vào việc làm xói mòn cơ sở tính thuế cũng như gây ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, chuyển giá là một vấn đề hết sức nhạy cảm, bên cạnh một số thông tin, số liệu đã được công khai thì nhiều tài liệu do các cơ quan chức năng cung cấp là các tài liệu nội bộ, tài liệu chưa công bố, một số tài liệu chứa đựng các thông tin được xem như tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp có giới hạn đối tượng sử dụng, một số tài liệu có tính chất bảo mật tại thời điểm hiện nay, nên trong quá trình sử dụng, nghiên cứu sinh được yêu cầu không thực hiện công khai rõ nguồn tài liệu và tên của doanh nghiệp cũng như tên của công ty đa quốc gia hay bên có quan hệ liên kết. Song nghiên cứu sinh có thể khẳng định rằng các tài liệu có nguồn gốc rõ ràng, có độ tin cậy cao và được các cơ quan quản lý có thẩm quyền cung cấp theo đúng quy trình; đồng thời, nghiên cứu sinh đã sử dụng và dẫn chứng trung thực trong luận án.
c) Phương pháp so sánh
Phương pháp này được sử dụng để đối chiếu các quy định trong hệ thống pháp luật của Việt nam với các quy định của một số tổ chức quốc tế như Liên Hiệp quốc hay OECD cũng như một số quốc gia khác về chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, chính sách thuế, phương pháp định giá chuyển giao nội bộ cũng như các vấn đề khác có liên quan.
Cùng với đó, phương pháp so sánh cũng được sử dụng để đối chiếu, phân tích sự thay đổi của các quy định về kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam qua các thời kỳ, phân tích nhằm chỉ rõ ưu nhược điểm của từng quy định.
d) Phương pháp nghiên cứu tình huống
Nghiên cứu tình huống là một phương pháp nghiên cứu định tính rất phù hợp với đề tài luận án của nghiên cứu sinh cũng như phù hợp với tính chất của số liệu nghiên cứu. Phương pháp này được nghiên cứu sinh sử dụng để đi sâu phân tích một số trường hợp, vụ việc điển hình về chuyển giá tại các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam cũng như các trường hợp điển hình về việc kiểm soát chuyển giá của một số quốc gia.
Phương pháp này giúp luận án trả lời được câu hỏi các hình thức chuyển giá đang diễn ra như thế nào tại các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam cũng như trên thế giới; cách thức mà các quốc gia tiên tiến cũng như các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam ứng phó với hoạt động chuyển giá. Đồng thời, phương pháp nghiên cứu tình huống cũng cho phép nghiên cứu sinh lựa chọn các vụ việc tiêu biểu, các nghi vấn chuyển giá tiêu biểu làm minh chứng cho hoạt động chuyển giá trong các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
e) Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp
Do tính chất số liệu, tài liệu nghiên cứu nên nghiên cứu sinh không thể trực tiếp điều tra số liệu thực tiễn mà sử dụng kết quả điều tra (dữ liệu thứ cấp) của một số cơ quan chức năng cũng như một số nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu. Những kết quả điều tra này được sử dụng một cách phù hợp giúp tăng độ tin cậy cho những luận điểm đưa ra trong luận án.
Cụ thể, luận án đã sử dụng các kết quả nghiên cứu: Kết quả điều tra của Tổng cục Thuế; Kết quả điều tra của Cục Thuế một số địa phương; Kết quả điều tra của nhóm chuyên gia từ Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Kết quả điều tra thống kê của Tổng cục Thống kê.
f) Phương pháp hệ thống hóa, tổng hợp
Phương pháp hệ thống hóa, tổng hợp được sử dụng để liên kết các luận điểm nghiên cứu thành một thể thống nhất nhằm thể hiện một các đầy đủ, sâu sắc nhất về vấn đề nghiên cứu của luận án.
Phương pháp hệ thống hóa, tổng hợp đồng thời giúp nghiên cứu sinh trả lời các câu hỏi nghiên cứu một cách logic và phù hợp với quy luật, với bản chất của vấn đề.
4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Luận án đề cập tới nhiều vấn đề, từ lý luận tổng quan về công ty đa quốc gia và hoạt động chuyển giá đến kiểm soát hoạt động chuyển giá trong các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu mà luận án hướng đến là kiểm soát hoạt động chuyển giá trong các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu:
• Về không gian: hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam đều có doanh nghiệp FDI. Luận án đã nghiên cứu, phân tích về chuyển giá trên phạm vi toàn quốc, trong đó có tập trung vào một số tỉnh, thành trọng điểm về thu hút FDI cũng như có những báo cáo về chuyển giá và nghi vấn chuyển giá lớn, phức tạp.
• Về thời gian: luận án nghiên cứu về chuyển giá và kiểm soát chuyển giá trong giai đoạn từ khi Việt Nam mở cửa đón nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài cho đến thời điểm hiện tại, trong đó do tính chất của số liệu nghiên cứu nên tập trung chủ yếu vào giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2016.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
• Về mặt lý luận: Luận án góp phần bổ sung, phát triển khung lý thuyết về chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá. Những đóng góp về lý luận này tiếp tục củng cố thêm những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trước đây trong việc làm rõ bản chất của chuyển giá, nguyên nhân chủ quan và khách quan thúc đẩy hoạt động chuyển giá của các chi nhánh công ty đa quốc gia; tác động của chuyển giá tới nhiều chủ thể trong nền kinh tế mở hiện nay. Cùng với đó, luận án đã đóng góp một số vấn đề lý luận về kiểm soát chuyển giá trong điều kiện tình hình mới. Khung lý thuyết mà Luận án bổ sung, phát triển có thể làm cơ sở lý luận cho các nghiên cứu sau luận án tham khảo và dùng làm tài liệu hữu ích giúp các nhà quản lý có các nhìn toàn diện hơn về chuyển giá, có cơ sở để xây dựng các giải pháp kiểm soát chuyển giá có hiệu quả
• Về mặt thực tiễn: Luận án đã làm rõ thực trạng chuyển giá tại một số quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam; chỉ ra cách thức mà các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đang áp dụng trong công tác kiểm soát chuyển giá; đánh giá ưu nhược điểm của công tác kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam thời gian qua. Trên cơ sở đó, nghiên cứu sinh đã xây dựng các đề xuất nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của kiểm soát chuyển giá. Những đề xuất của Luận án có ý nghĩa lớn về bổ sung, hoàn thiện về chính sách cũng như thực thi chính sách.
Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu về chuyển giá và kiểm soát chuyển giá; đồng thời cũng có thể được các cơ quan hữu quan tham khảo trong quá trình thực hiện công tác kiểm soát chuyển giá tại cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành mình.
6. Kết cấu của Luận án
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, Luận án gồm có 4 chương:
• Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu đề tài
• Chương 2: Lý luận về chuyển giá và kiểm soát hoạt động chuyển giá trong các công ty đa quốc gia
• Chương 3: Thực trạng kiểm soát hoạt động chuyển giá của các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam
• Chương 4: Giải pháp kiểm soát hoạt động chuyển giá của các chi nhánh công ty đa quốc gia tại Việt Nam