LA08.038_Khám phá thang đo chất lượng giáo dục bậc đại học ngành quản trị kinh doanh trên góc độ sinh viên tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu này nhằm mục đích khám phá các thành phần, thang đo các thành phần tạo nên chất lượng giáo dục đại học ngành quản trị kinh doanh trên góc độ sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh.
Dựa vào lý thuyết chất lượng dịch vụ và lý thuyết chất lượng giáo dục đại học. Trong lý thuyết chất lượng giáo dục đại học, dựa vào cách tiếp cận giáo dục đại học là 1 dịch vụ, xem Trường học là đơn vị cung cấp dịch vụ và sinh viên là những người sử dụng dịch vụ. Giáo dục đại học được hiểu như là 1 dịch vụ và cụm từ chất lượng giáo dục đại học mà tác giả sử dụng trong luận án được ngầm hiểu là chất lượng dịch vụ giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, xác định được khe hổng nghiên cứu trong lý thuyết về chất lượng giáo dục đại học trên góc độ sinh viên. Khám phá thang đo chất lượng giáo dục đại học ngành quản trị kinh doanh trên góc độ sinh viên dựa vào nghiên cứu định tính thông qua phương pháp thảo luận nhóm. Thảo luận nhóm với sinh viên các trường đại học được tiến hành từ tháng 8/2013 đến 11/2013 (cụ thể với sinh viên của các trường là Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công Nghiệp TP.HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Công Nghệ Sài Gòn). Ba cuộc thảo luận nhóm được tiến hành để khám phá, điều chỉnh và bổ sung các thành phần, thang đo các thành phần tạo nên chất lượng giáo dục đại học trên góc độ của sinh viên cho phù hợp với điều kiện các trường đại học Việt Nam.
Đánh giá sơ bộ thang đo được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM thông qua bảng câu hỏi chi tiết. Mẫu cho nghiên cứu định lượng này có kích thước n = 121. Dữ liệu thu thập từ nghiên cứu này được sử dụng để đánh giá sơ bộ thang đo qua hai phương pháp là phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA và phương pháp hệ số tin cậy Cronbach alpha. Nghiên cứu định lượng chính thức được thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp sinh viên các trường đại học: Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Mở TP.HCM, và Đại học Văn Lang thông qua bảng câu hỏi chi tiết. Kích thước mẫu của nghiên cứu này là 2713 sinh viên. Mục tiêu của nghiên cứu này là kiểm định lại thang đo thông qua phương pháp phân tích nhân tố khẳng định
CFA (Confirmatory Factor Analysis). Thang đo các thành phần được kiểm định lại tính đơn hướng, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích. Kết quả nghiên cứu định tính thông qua phương pháp thảo luận nhóm cho thấy, các thành phần tạo nên chất lượng giáo dục bậc đại học ngành quản trị kinh doanh trên góc độ sinh viên được khám phá tại Việt Nam gồm 6 thành phần là: (1) Chương trình đào tạo, (2) Giảng viên, (3) Cơ sở vật chất, (4) Tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, (5) Hoạt động ngoại khóa, và (6) Chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên.
Kết quả đánh giá sơ bộ thang đo thông qua đánh giá giá trị và độ tin cậy của thang đo. Kết quả đánh giá giá trị thang đo – phân tích EFA cho thấy có 7 nhân tố được trích tại eigenvalue = 1.037 > 1và tổng phương sai trích được là 73.368% > 50%. Nhân tố 1 – chương trình đào tạo, nhân tố 2 – chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên, nhân tố 3 – cơ sở vật chất, nhân tố 4 – kỹ năng giảng dạy của giảng viên, nhân tố 5 – tương tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhân tố 6 – hoạt động ngoại khóa, nhân tố 7 – tương tác giữa giảng viên và sinh viên, đều có trọng số nhân tố > .50 và chêch lệch trọng số > .30, do đó giá trị thang đo các khái niệm này đạt yêu cầu. Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo cho thấy các thang đo đều có hệ số α > .60, do đó đều đạt độ tin cậy cần thiết. Kết quả nghiên cứu chính thức qua 3 trường đại học với kích thước mẫu n = 2713 thông qua phân tích EFA xác định được 6 thành phần tạo nên chất lượng giáo dục bậc đại học ngành quản trị kinh doanh trên góc độ sinh viên đó là (1) Chương trình đào tạo, (2) Kỹ năng giảng dạy của giảng viên, (3) Tương tác giữa giảng viên và sinh viên, (4) Cơ sở vật chất, (5) Hoạt động ngoại khóa, và (6) Chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo tại 3 trường đại học cho thấy các thang đo đều có hệ số α > .60, do đó đều đạt độ tin cậy cần thiết.
Kết quả kiểm định thang đo cho thấy thang đo chất lượng giáo dục bậc đại học ngành quản trị kinh doanh trên góc độ sinh viên gồm có 6 thành phần đó là: (1) Chương trình đào tạo; (2) Kỹ năng giảng dạy của giảng viên; (3) Tương tác giữa giảng viên và sinh viên; (4) Cơ sở vật chất; (5) Hoạt động ngoại khóa; và (6) Chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Thang đo cho mỗi thành phần đã được kiểm định lại bằng phân tích nhân tố khẳng định CFA cho thấy các thang đo đạt yêu cầu về độ tin cậy và giá trị (tính đơn hướng, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích). Do đó, kết quả này cho thấy, nghiên cứu này bổ sung vào thang đo chất lượng giáo dục bậc đại học ngành quản trị kinh doanh trên góc độ sinh viên. Cụ thể, thứ nhất, trong 6 thành phần tạo nên chất lượng giáo dục đại học trên góc độ sinh viên ở trên, thì nghiên cứu này bổ sung vào thành phần mới là thành phần chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên; thứ hai, nghiên cứu này bổ sung vào thang đo các thành phần khái niệm: chương trình đào tạo, kỹ năng giảng dạy của giảng viên, cơ sở vật chất, và chất lượng dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Điều này, giúp cho các nhà nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng trong lĩnh vực chất lượng giáo dục đại học trên góc độ sinh viên tại Việt Nam và trên thế giới có được hệ thống thang đo để điều chỉnh, bổ sung và sử dụng cho các nghiên cứu của mình tại
thị trường Việt Nam. Tiếp theo, nghiên cứu này trình bày thảo luận về kết quả nghiên cứu. Cuối cùng, nghiên cứu này trình bày đóng góp của nghiên cứu, hàm ý nghiên cứu và một số gợi ý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên góc độ sinh viên, một số hạn chế và các hướng nghiên cứu tiếp theo