Khái niệm dịch vụ xã hội
Nếu như dịch vụ là một khái niệm đơn lẻ thì dịch vụ xã hội lại là một khái niệm kép. Thuật ngữ “xã hội” trong khái niệm này có thể được hiểu theo hai nghĩa.
Thứ nhất là tính mục tiêu, nghĩa là dịch vụ hướng tới phát triển xã hội (theo nghĩa này thì bất kỳ dịch vụ nào đóng góp vào mục tiêu phát triển xã hội đều được coi là dịch vụ xã hội).
Thứ hai là về chuẩn mực hay tính xã hội, nghĩa là dịch vụ để bảo đảm các giá trị, chuẩn mực xã hội. Theo nghĩa này thì dịch vụ xã hội cung cấp những hỗ trợ cho các thành viên trong xã hội được (i) chủ động phòng ngừa khả năng xảy ra rủi ro để dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội; (ii) chủ động tiếp cận hạn chế ảnh hưởng của rủi ro dẫn đến không bảo đảm giá trị và chuẩn mực xã hội; (iii) khắc phục rủi ro và hòa nhập cộng đồng/xã hội trên cơ sở các giá trị, chuẩn mực xã hội.
Quan niệm về dịch vụ xã hội (social services) được hiểu theo nghĩa là thứ hai tức là các dịch vụ để bảo đảm các giá trị, chuẩn mực có tính xã hội. Từ cách tiếp cận đó, khái niệm dịch vụ được phát biểu như sau:
Dịch vụ xã hội là hoạt động cung cấp, đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân, nhóm người nhất định nhằm bảo đảm các giá trị và chuẩn mực xã hội.
Quan niệm này cũng tương đồng với khái niệm về dịch vụ xã hội trong tài liệu “good practices in social services delivery in SEE” theo đó: dịch vụ xã hội là các sáng kiến, can thiệp nhằm vào các nhu cầu và vấn đề của hầu hết nhóm đối tượng dễ tổn thương, bao gồm cả việc ngăn chặn bạo lực, nghèo đói, tan vỡ gia đình, tàn tật (tinh thần và thể chất) và tuổi già. Những ví dụ cụ thể về dịch vụ xã hội là: phục hồi chức năng, nhà dịch vụ trợ giúp, nhà chăm sóc và nuôi dưỡng, dịch vụ thức ăn, chăm sóc ban ngày, … và các hình thức khác được thực hiện bởi những người làm công tác xã hội và/hoặc các chuyên gia liên quan.
Bên cạnh cách hiểu trên, một cách hiểu khác nhìn từ vai trò của người cung cấp dịch vụ và đối tượng/khách hàng cho rằng: dịch vụ xã hội là các dịch vụ do nhà nước, tập thể cung cấp cho thành viên xã hội. Tuy nhiên cách hiểu này ít nhiều “máy móc”, thiếu tính bao quát và cũng không phổ biến.
Một khái niệm thống nhất về dịch vụ xã hội cho người yếu thế là rất cần thiết và đó cũng là cơ sở để thiết kế hệ thống dịch vụ xã hội cho các nhóm đối tượng này. Dựa vào những lý giải về dịch vụ, chính sách xã hội, dịch vụ xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản nêu trên, khái niệm dịch vụ xã hội cho người yếu thế được hiểu là:
Dịch vụ xã hội cho nhóm yếu thế là các hoạt động có chủ đích của con người nhằm phòng ngừa-hạn chế và khắc phục rủi ro, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu cơ bản và thúc đẩy khả năng hoà nhập cộng đồng, xã hội cho nhóm đối tượng yếu thế