“Cạnh tranh” là một phạm trù kinh tế cơ bản. Qua lịch sử có thể thấy nổi lên hai trường phái tiêu biểu: trường phái cổ điển và trường phái hiện đại. Trường phái cổ điển với các đại biểu tiêu biểu như: Adam Smith; John Stuart Mill; Darwin và C.Mác đã có những đóng góp nhất định trong lý thuyết cạnh tranh này. Trường phái hiện đại với hệ thống lý thuyết đồ sộ với 3 quan điểm tiếp cận: tiếp cận theo tổ chức ngành với đại diện là trường phái Chicago và Harvard; tiếp cận tâm lý với đại diện là Meuger, Mises, Chumpeter, Hayek thuộc học phái Viên; tiếp cận “cạnh tranh hoàn hảo” phát triển lý thuyết của Tân cổ điển. Như vậy, cạnh tranh là một khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và có nhiều quan niệm khác nhau dưới các góc độ khác nhau.
Theo định nghĩa được A.Lobe có thể hiểu cạnh tranh là sự cố gắng của hai hay nhiều người thông qua hành vi hay khả năng nhất định để cùng đạt được một mục đích.
Khi bàn về cạnh tranh, Adam Smith cho rằng nếu tự do cạnh tranh, các cá nhân chèn ép nhau thì cạnh tranh buộc mỗi cá nhân phải cố gắng làm công việc của mình một cách chính xác. Ngược lại, chỉ có mục đích lớn lao nhưng lại không có động cơ thúc đẩy thực hiện mục đích ấy thì rất ít có khả năng tạo ra được bất kỳ sự cố gắng nào. Như vậy, có thể hiểu cạnh tranh khơi dậy sự nỗ lực chủ quan của con người, góp phần làm tăng của cải của nền kinh tế.
Khi nghiên cứu về cạnh tranh, K.Marx cho rằng “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh gay gắt giữa những nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa để thu lợi nhuận siêu ngạch”.
Kinh tế học của P.Samuelson định nghĩa: “Cạnh tranh là sự tranh giành thị trường để tiêu thụ sản phẩm giữa các nhà doanh nghiệp”.
Từ điển rút gọn về kinh doanh định nghĩa: “Cạnh tranh là sự ganh đua, kình định giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình”, tức là nâng cao vị thế của người này và giảm vị thế của người khác.
Theo từ điển Bách khoa của Việt Nam thì: “Cạnh tranh (trong kinh doanh) là hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chi phối quan hệ cung cầu nhằm giành các điều kiện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có lợi nhất”.
Theo các tác giả của cuốn Các vấn đề pháp lý về thể chế, về chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh doanh thì: “Cạnh tranh có thể được hiểu là sự ganh đua giữa các doanh nghiệp trong việc giành một số nhân tố sản xuất hoặc khách hàng nhằm nâng cao vị thế của mình trên thị trường để đạt được mục tiêu kinh doanh cụ thể”.
Ở Việt Nam, khi đề cập đến “cạnh tranh” người ta thường đề cập đến vấn đề giành lợi thế về giá cả hàng hóa, dịch vụ mua bán và đó là phương thức để giành lợi nhuận cao cho các chủ thể kinh tế. Trên quy mô toàn xã hội, cạnh tranh là phương thức phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu và do đó nó là động lực bên trong thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Mặt khác, với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của các chủ thể kinh doanh, cạnh tranh cũng dẫn đến yếu tố thúc đẩy quá trình tích lũy và tập trung tư bản không đồng đều ở các doanh nghiệp.
Mặc dù còn nhiều khái niệm khác nhau về cạnh tranh, qua các định nghĩa trên có thể rút ra những nét chung về cạnh tranh như sau:
Thứ nhất, khi nói đến cạnh tranh là nói đến sự ganh đua giữa một (hoặc một nhóm) người nhằm giành lấy phần thắng của nhiều chủ thể cùng tham dự. Cạnh tranh nâng cao vị thế của người này và làm giảm vị thế của những người còn lại.
Thứ hai, mục đích trực tiếp của cạnh tranh là một đối tượng cụ thể nào đó mà các bên đều muốn giành giật (như một cơ hội, một sản phẩm dịch vụ, một dự án hay một thị trường, một nhóm khách hàng…) với mục đích cuối cùng là kiếm được lợi nhuận cao.
Thứ ba, cạnh tranh diễn ra trong một môi trường cụ thể, có các ràng buộc chung mà các bên tham gia phải tuân thủ như: đặc điểm sản phẩm, thị trường, các điều kiện pháp lý, các thông lệ kinh doanh…
Thứ tư, trong quá trình cạnh tranh, các chủ thể tham gia cạnh tranh có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau: cạnh tranh bằng đặc tính và chất lượng sản phẩm dịch vụ, cạnh tranh bằng giá bán sản phẩm dịch vụ; cạnh tranh bằng nghệ thuật tiêu thụ sản phẩm (tổ chức các kênh tiêu thụ); cạnh tranh bằng dịch vụ bán hàng; cạnh tranh bằng hình thức thanh toán…
Đúc kết từ những quan điểm trên, xem xét dưới góc độ kinh tế và góc độ doanh nghiệp, theo tác giả, cạnh tranh là sự ganh đua giữa các tổ chức (doanh nghiệp) cố gắng để đạt được những mục tiêu như tăng lợi nhuận, thị phần, và khối lượng bán hàng bằng cách thay đổi các yếu tố hỗn hợp: giá cả, sản phẩm, phân phối và xúc tiến. thông qua việc thực hiện phân bổ một cách hiệu quả nguồn lực của tổ chức (doanh nghiệp).
Comments 1