LA09.048_Kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội
Con người là nguồn tài nguyên quý báu,quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Vì vậy, đầu tư cho sức khỏe chính là đầu tư cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngày nay, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao ngày càng gia tăng và cấp thiết của con người. Bệnh viện ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển năng động của các doanh nghiệp trong cả nước, các bệnh viện công – là những đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cũng ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, với 1.071 bệnh viện, trong đó bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế là 46, chiếm 4,3%trong tổng số các bệnh viện công trong cả nước (Tổng cục thống kê, 2015). Ngoài việc sử dụng các nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp, các bệnh viện công còn có khác khoản thu trong các dịch vụ phục vụ người bệnh, thêm vào đó các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh cũng rất đa dạng, chi phí cho mỗi loại dịch vụ này lại hoàn toàn khác nhau. Đây cũng là một vấn đề cần được kế toán đầy đủ, chính xác và chi tiết, giúp quản trị các bệnh viện công tăng cường giải pháp quản lý thu chi tài chính.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế và kinh tế – xã hội phát triển như hiện nay, các bệnh viện công bắt đầu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong việc cân đối giữa các nguồn lực hạn chế với chất lượng dịch vụ mà bệnh viện cung cấp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, các bệnh viện công không ngừng ứng dụng các kỹ thuật y tế hiện đại, các loại dược phẩm mới và sự gia tăng chi phí tiêu thụ, điều này tạo áp lực buộc các bệnh viện công phải áp dụng kỹ thuật của kế toán quản trị chi phí hiệu quả, các kỹ thuật này trước kia thường chỉ được sử dụng trong doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.Theo Robert Kaplan & Anthony A Atkinson (2014, tr1) “Thông tin kế toán quản trị có vai trò quan trọng đối với các đơn vị. Nó giúp tăng cường việc ra quyết định, góp phần định hướng cho sự phát triển chiến lược và đánh giá các chiến lược hiện tại, đồng thời giúp tập trung các nỗ lực để cải thiện hiệu năng của đơn vị cũng như để đánh giá sự đóng góp và hiệu quả hoạt động của các bộ phận, các thành viên trực thuộc. Một trong những loại thông tin quan trọng nhất của Kế toán quản trị là thông tin chi phí. Các đơn vị sử dụng thông tin chi phí để ra các quyết định quan trọng về đặc tính và cơ cấu của các loại sản phẩm”.
Qua thực tiễn, hệ thống kế toán quản trị chi phí truyền thống (phương pháp tính giá thành toàn bộ, phương pháp tính giá thành trực tiếp) đã bộc lộ một số hạn chế, gây ảnh hưởng đến hoạt động ra quyết định của nhà quản trị trong bệnh viện. Những hạn chế lớn nhất có thể kể đến đó là việc lựa chọn đối tượng tập hợp chi phí và kỹ thuật phân bổ chi phí. Để khắc phục những hạn chế đó, các nhà kinh tế nghiên cứu và ứng dụng phương pháp tính giá thành sản phẩm mới – phương pháp tính giá thành dựa trên cơ sở hoạt động (Activity-based costing – ABC). Phương pháp ABC ngày nay đã được gắn liền với một triết lý mới trong quản trị là quản trị dựa trên hoạt động (Activity based Management – ABM). Quản trị dựa trên hoạt động là một trong những phương pháp quan trọng nhất để dành chiến thắng trong cạnh tranh. Hệ thống này không thay thế hệ thống kế toán quản trị chi phí truyền thống, mà nhằm bổ sung khả năng xử lý và cung cấp thông tin trong việc ra quyết định ngắn hạn và dài hạn của đơn vị.
Một vấn đề nữa, hoạt động của các bệnh viện công đã và đang có những thay đổi đáng kể dưới tác động của cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trong đó, cơ chế tự chủ về tài chính đã cho phép các Bệnh viện công được chủ động trong việc sử dụng nguồn kinh phí do Nhà nước cấp và các khoản thu được để lại nhằm thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh trên cơ sở tiết kiệm chi phí, tự chủ trong việc phân phối khoản chênh lệch thu chi nhằm từng bước tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ, cải thiện và nâng cao đời sống cán bộ viên chức của đơn vị. Do đó, thực hiện kế toán quản trị chi phí tốt là rất cần thiết, đảm bảo cung cấp chính xác, kịp thời và đầy đủ các thông tin về hoạt động tài chính của bệnh viện cho lãnh đạo bệnh viện, quản lý các cấp tại bệnh viện, các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế và các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động của bệnh viện, giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời. Kế toán quản trị chi phí thực hiện chức năng ghi chép, theo dõi, phản ánh và giám sát chặt chẽ các loại tài sản, nguồn kinh phí của bệnh viện, giúp cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nguồn kinh phí trong các bệnh viện công.
Tính đến thời điểm hiện nay, các công trình nghiên cứu trên thế giới về kế toán quản trị chi phí cũng chỉ đề cập một cách riêng lẻ các nội dung của kế toán quản trị chi phí và được nghiên cứu trong một số các bệnh viện công và bệnh viện tư, chưa công trình nào nghiên cứu toàn diện và có hệ thống nội dung của kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện công. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu trong nước cũng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về nội dung của kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện công, và đặc biệt chưa có bất kỳ một công trình nào nghiên cứu về sự phát triển của hệ thống kế toán quản trị chi phí cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện. Chính vì các lý do đã được trình bày ở trên, “Kế toán quản trị chi phí trong các bệnh viện công trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội” được tác giả chọn làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.