LA35.015_Hoạt động giáo dục giá trị văn hoá truyền thống cho sinh viên hiện nay (qua khảo sát một số trường đại học ở Hà Nội)
1. Tính cấp thiết của đề tài
Xã hội càng phát triển hiện đại, con người càng phải hiểu sâu những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Bởi lẽ sức sống của một dân tộc chính là nhờ các yếu tố nội sinh, trong đó những giá trị văn hoá truyền thống là yếu tố nội sinh quan trọng nhất, một động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay thì vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống càng trở nên bức thiết. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã để lại nhiều truyền thống vô cùng quý giá. Đó là truyền thống yêu nước; truyền thống đoàn kết cộng đồng; truyền thống nhân ái, khoan dung; truyền thống hiếu học “tôn sư trọng đạo” và nhiều truyền thống tốt đẹp khác. Những giá trị văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc đã tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Nhờ các giá trị văn hóa truyền thống mà dân tộc Việt Nam đã luôn đứng vững và trường tồn trong suốt chiều dài lịch sử. Những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc cần được giáo dục, được truyền bá sâu rộng trong xã hội.
Tính đến năm học 2011 – 2012 cả nước có 419 trường đại học và cao đẳng với tổng số hơn 2,2 triệu sinh viên. Đây là nguồn nhân lực quý giá của đất nước bởi sinh viên là những người có tri thức, trẻ trung, năng động, nhiệt tình và có hoài bão lớn. Lực lượng này có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến sự phát triển KT-XH của đất nước trước mắt cũng như lâu dài. Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thanh niên sinh viên rất nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những tác động từ bên ngoài. Bởi vậy những thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở nước ta trong những năm qua, nhất là quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, đã tạo nên những biến động trong đời sống tinh thần thế hệ trẻ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường đã nảy sinh những ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận không nhỏ người dân, trong đó có sinh viên, làm thay đổi các quan điểm của họ về giá trị truyền thống của
dân tộc: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc đang diễn ra trong xã hội ta hiện nay” [35, tr.15]. Trong những năm gần đây trong một bộ phận thế hệ trẻ đã nổi lên hiện tượng đáng lo ngại là sự sa sút về phẩm chất, đạo đức, chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần, tư tưởng sùng bái nước ngoài, coi thường hoặc lãng quên các giá trị truyền thống của dân tộc. Trong một bộ phận thế hệ trẻ cũng đã xuất hiện quan niệm dân tộc hẹp hòi, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Nguy hiểm hơn, một số thế lực xấu, thù địch ở nước ngoài đã lợi dụng toàn cầu hóa làm công cụ để truyền bá, áp đặt văn hóa, tư tưởng của họ, thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” mà đối tượng chúng nhằm vào đầu tiên là thế hệ, trẻ nhất là học sinh, sinh viên. Những thay đổi đáng lo ngại trong thế hệ trẻ có phần do mặt trái của toàn cầu hóa, nhưng cơ bản là do những yếu kém của chúng ta trong việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng cho hệ trẻ chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Trước tình hình này, việc giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho sinh viên cần được đặt ra một cách cấp thiết. Chọn vấn đề “Hoạt động giáo dục giá trị văn hoá truyền thống cho sinh viên hiện nay (qua khảo sát một số trường đại học ở Hà Nội)” làm đề tài luận án, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về giá trị, giá trị văn hoá, về các giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, về thực trạng và giải pháp đẩy mạnh các hoạt động giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống nhằm hình thành và hoàn thiện phẩm chất, đức tính tốt đẹp cho sinh viên nước ta trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế hiện nay