ThS08.034_Hoàn thiện thủ tục thông quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh nhập cảnh tại cục hải quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
“Mở cửa” và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng khách quan của Việt Nam. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đảm bảo độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thời gian qua,theo xu hướng hội nhập nhiều thành tựu kinh tế mà chúng ta đạt được có phần đóng góp quan trọng của việc cải thiện các chính sách thương mại, tự do hóa thương mại. Hội nhập kinh tế tạo ra những thời cơ lớn phát triển, đó là thị trường được mở rộng, tạo cơ hội “đi tắt đón đầu” Việt Nam có thể bắt kịp với sự phát triển của thế giới. Tuy nhiên, ngoài những cơ hội phát triển, việc hội nhập sâu rộng còn mang đến nhiều khó khăn thử thách. Từ khi gia nhập WTO và FTA nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ rõ hơn những yếu kém nội tại. Mặt trái của việc tự do hóa thương mại là các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại; lách luật, lách thuế, chuyển giá; sản xuất kinh doanh và vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng trái phép cũng song hành tồn tại và có xu hướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn, khó xử phạt.
Kinh tế và giao thương ngày càng phát triển sâu rộng dẫn đến hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá, nguyên vật liệu giữa các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng lớn mạnh; hoạt động XNK ngày một nhộn nhịp hơn. Một trong những yếu tố góp phần cho sự thành công, và phát triển của giao lưu kinh tế quốc tế đó là thủ tục hải quan, vì Hải quan được ví như là “Người gác cửa trên mặt trận kinh tế” .
Ngày nay, thuật ngữ “thế giới phẳng” đã trở nên quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hoá về kinh tế. Các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia xuất hiện hầu hết ở các nước. Một thị trường rộng lớn với những thách thức cạnh tranh ngày càng khốc liệt, kinh doanh thương mại phải đem lại lợi nhuận cũng như lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, thương mại đầu tư chỉ chảy đến khu vực nào, quốc gia nào được xem là có hiệu quả và môi trường đầu tư thuận lợi. Ngược lại, thương mại đầu tư lần lượt lánh xa những nơi bị cho là quan liêu, quản lý hành chính không tốt, không minh bạch, chi phí cao và không hiệu quả.
Cho một Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư; ngoài yếu tố ổn định về chính trị, khi đã tham gia sân chơi chung với các tổ chức trong khu vực và trên thế giới chúng ta cần tuân thủ theo những nguyên tắc và luật chơi chung. Muốn thực hiện điều này pháp luật của chúng ta dần phải hoàn thiệt phù hợp với thông lệ, tập quán quốc tế. Mọi cải cách về thủ tục hành chính phải được đẩy nhanh, đẩy mạnh ở nhiều khâu, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Hải quan là một trong những Ngành tiên phong sao cho TTHQ không còn là một rào cản đối với hoạt động XNK.
Đã gần 30 năm, Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thương mại đầu tư, hoạt động XNK phát triển ngày càng lớn mạnh. TTHQ cũng đã ổn định và phát huy hiệu quả, thông quan hàng hoá XNK, PTVT XNC đã được đơn giản hoá, rút ngắn về thời gian và nhận được sự đánh giá cao từ các doanh nghiệp, hãng tàu, đại lý hãng tàu, các công ty giao nhận (gọi chung là hãng tàu). Theo kịp và phù hợp với sự phát triển kinh tế,đòi hỏi chúng ta luôn phải đổi mới, hoàn thiện các thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, công khai minh bạch, dễ thực hiện, nhưng vẫn đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, phát sinh cần hoàn thiện. Và đề tài “Hoàn thiện thủ tục thông quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” là lý do tôi chọn làm nghiên cứu cho Luận văn tốt sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh.