LA01.041_Hoàn thiện thủ tục hải quan điện tử Việt Nam theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan hiện đại đến năm 2020
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Quản lý nhà nước về hải quan là thể chế rất quan trọng điều chỉnh các hoạt động xuất nhập khẩu, giao lưu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại – đầu tư – du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời là công cụ để phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ chủ quyền kinh tế, an ninh quốc gia và an toàn xã hội. Với vai trò đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giao cho ngành hải quan thực thi 5 nhiệm vụ chính: (1) kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; (2) phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa quan biên giới; (3) tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (4) thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (5) kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất – nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, chịu sự tác động của các mối quan hệ ngoại thương ngày càng đa dạng; quan hệ thương mại thế giới ngày càng phức tạp hơn, xuất hiện các hình thức ảo hộ mới, cung ứng trao đổi hàng hóa ngày càng nhanh chóng, các loại hình vận chuyển đa phương thức và thương mại điện tử ngày càng phát triển và trở nên phổ biến; nguy cơ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm buôn bán ma túy, chất gây nghiện, vũ khí gia tăng. Vì vậy, nhiệm vụ ngành hải quan ngày càng nặng nề, khối lượng công việc gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, hoạt động quản lý nhà nước về hải quan vẫn phải bảo đảm tạo thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa, xuất – nhập – quá cảnh phương tiện vận tải. Đặc biệt là phải thông quan nhanh, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, tạo môi trường thu hút du lịch, đầu tư nước ngoài để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo đảm nguồn thu ngân sách quốc gia.
Phương thức thực hiện thủ tục hải quan truyền thống với đặc thù là tất cả các bước trong thủ tục đó đều phải thực hiện bằng thủ công, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp giữa hải quan với doanh nghiệp đã ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Một số hạn chế đó là: toàn bộ chứng từ của bộ hồ sơ hải quan đều phải kê khai bằng giấy đã làm tăng chi phí trong in ấn, vận chuyển, quản lý cho cả doanh nghiệp và hải quan; thời gian thông quan kéo dài làm gia tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, giảm hiệu quả trong thực hiện công việc cơ quan hải quan; doanh nghiệp không biết được tình trạng bộ hồ sơ hải quan của mình đang được xử lý ở khâu nào, phiền hà và khó khăn đến với doanh nghiệp rất khó định lượng; giữa doanh nghiệp và cán bộ hải quan rất dễ phát sinh những thoả thuận tiêu cực. Đến năm 2005, sau 60 năm thành lập ngành hải quan đã thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh. Sau một thời gian áp dụng đã cho thấy lợi ích của việc thực hiện TTHQĐT mang lại rất lớn như: thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính; giảm phiền hà và chống tham nhũng trong quá trình làm thủ tục hải quan; tăng năng suất và hiệu quả công việc của cơ quan hải quan; giảm thời gian thông quan hàng hóa; giảm chi phí thủ tục hành chính, tăng lợi nhuận doanh nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế và minh bạch hóa công tác quản lý.
Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2013 sau 7 năm thí điểm thì TTHQĐT mới bắt đầu đi vào thực hiện chính thức trên phạm vi cả nước (từ 01/01/2013). Đến nay TTHQĐT vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế cần được khắc phục và hoàn thiện. Về thể chế: quy trình TTHQĐT mới hình thành ở cấp chi cục hải quan, chưa được xây dựng tổng thể ở cấp cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Tổng cục Hải quan; các quy định thể chế chủ yếu xây dựng cho khâu thông quan, trong khi nhiều khâu và nghiệp vụ khác vẫn phải quản lý theo hành lang pháp lý hải quan thủ công, chưa áp dụng đầy đủ các chuẩn mực hải quan hiện đại; chính phủ điện tử chưa được xây dựng tổng thể, đồng bộ và vẫn còn nhiều việc lớn dở dang. Về mô hình nghiệp vụ hải quan và mô hình tổ chức cán bộ: chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng nghiệp vụ và tổ chức của thủ tục hải quan
truyền thống (thủ công). Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin: hệ thống xử lý dữ liệu điện tử còn chưa hoàn thiện, hoạt động chưa ổn định, thiếu các chức năng, tiện ích hỗ trợ; phần mềm đầu doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiệp vụ. Nguồn nhân lực: TTHQĐT đòi hỏi phải có được một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn được đào tạo đồng bộ theo các khâu của quy trình, chuyên sâu về nghiệp vụ chuyên môn, thành thạo trong giao tiếp môi trường điện tử và sử dụng các công cụ điện tử; trong thời gian qua, việc đào tạo tuy đã đáp ứng được một phần yêu cầu của triển khai nhưng chỉ trong phạm vị hẹp; đội ngũ doanh nhân còn gặp khó khăn khi tham gia thực hiện TTHQĐT.
Những hạn chế, tồn tại trên đây đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề phải giải quyết vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài về hoàn thiện TTHQĐT trong thời gian tới. Là người đã làm việc trong ngành Hải quan, một mặt nhận thức được đòi hỏi của việc hoàn thiện TTHQĐT, mặt khác có nguyện vọng nghiên cứu và đóng góp khoa học vào quá trình công tác, vì vậy NCS đã chọn đề tài: “Hoàn thiện thủ tục hải quan điện tử Việt Nam theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan hiện đại đến năm 2020” làm Luận án nghiên cứu