LA09.037_Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp trong Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, trong quá trình sắp xếp, đổi mới mô hình phát triển DNNN đã hình thành chủ trương xây dựng và phát triển các DNNN có quy mô lớn nhằm mục đích tích tụ, tập trung cao về vốn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, mục tiêu này xuất phát từ chủ trương xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, trong đó các tổ chức kinh tế lớn (gồm các Tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) và tổng công ty nhà nước) là nòng cốt của kinh tế nhà nước. Trong những năm qua, DNNN góp phần quan trọng vào việc điều tiết cung cầu, ổn định giá cả, chống lạm phát, ổn định tỷ giá, đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục mặt trái của cơ chế thị trường, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những mặt tích cực, DNNN còn bộc lộ nhiều hạn chế như: hiệu quả kinh doanh thấp chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của nhà nước; chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản còn nhiều bất cập;…Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó, trong đó có nguyên nhân quan trọng là hệ thống KSNB tại các DNNN chưa được thiết lập và vận hành hiệu quả.
Lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và thi công xây dựng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Với những mục tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người, trong giai đoạn 2016 -2020 thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị;…đã mở ra những cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và thi công xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và thi công xây dựng cũng phải đối mặt với nhiều các rủi ro đặc thù. Để phát triển bền vững và hiệu quả, nhà quản lý tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải sử dụng các công cụ quản lý để nhận diện và giảm thiểu các rủi ro. Hệ thống KSNB là phương sách quản lý hữu hiệu để các nhà quản lý trong các doanh nghiệp đầu tư đầu tư kinh doanh bất động sản và thi công xây dựng đối phó với rủi ro và đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp: bảo vệ tài sản; đảm bảo độ tin cậy của hệ thống thông tin; đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở tuân thủ pháp luật và kinh doanh có hiệu quả.
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị là Tổng công ty nhà nước gồm Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên, được thành lập với mục tiêu hình thành tổ chức kinh tế mạnh đóng vai trò định hướng thực hiện chiến lược phát triển nhà và đô thị Việt Nam, tham gia điều tiết thị trường bất động sản, nhân rộng mô hình khu đô thị mới ra các địa phương trên cả nước. Ngành nghề kinh doanh chính của các doanh nghiệp trong Tổng công ty là đầu tư kinh doanh bất động sản và thi công xây dựng. Hệ thống các chính sách và thủ tục kiểm soát được thiết lập và vận hành tại các doanh nghiệp trong Tổng công ty hiện nay chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của các doanh nghiệp, chưa phù hợp với sự thay đổi liên tục mô hình tổ chức quản lý của Tổng công ty cũng như sự thay đổi của hệ thống các chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong Tổng công ty tham gia. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị sau một thời gian phát triển nhanh chóng về quy mô vốn, nhân lực, địa bàn hoạt động, số lượng công ty thành viên, và danh mục dự án đầu tư thì đến nay đã chững lại với rất nhiều khó khăn, dự án đầu tư dàn trải, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, nợ phải trả lớn, nợ phải thu chậm thu hồi, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.
Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng tại Quyết định số 806/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành ngày 29/8/2013 về việc phê duyệt đề án tái cơ
cấu Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị giai đoạn 2013 – 2015, có tính đến 2020, đã nhấn mạnh đến việc xây dựng hoàn thiện hệ thống KSNB tại các doanh nghiệp trong Tổng công ty để giúp các doanh nghiệp trong Tổng công ty vượt qua khó khăn, phát triển ổn định, bền vững. Xuất phát từ những lý do trên, hoàn thiện hệ thống KSNB tại các doanh nghiệp trong Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị trở thành vấn đề có tính cấp bách trong quản lý, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp trong Tổng công ty Đầu tư
phát triển nhà và đô thị” để nghiên cứu