LA02.239_Hoàn thiện thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án.
Ở các quốc gia trên thế giới, DNNVV có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế. Tại MB, cho vay đối với DNNVV luôn chiếm một tỷ trọng cao, chiếm gần 40% dư nợ của ngân hàng trong 5 năm trở lại đây. Do đó, việc giám sát hoạt động của nhóm doanh nghiệp này, đặc biệt trong hoạt động cho vay luôn được MB chú trọng nhằm đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn của doanh nghiệp cũng như trong việc quyết định có giải ngân hay không. Để đánh giá sức khỏe của DNNVV, công tác thẩm định NLTC doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Việc chú trọng nâng cao công tác thẩm định NLTC doanh nghiệp trong những năm gần đây đã góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu của MB (năm 2016 đã giảm 7,5% so với năm 2013), tuy nhiên nợ xấu của nhóm DNNVV vẫn luôn giữ ở mức cao trong cơ cấu nợ xấu của MB (luôn chiếm 50% Nợ xấu của MB giai đoạn 2012 – 2016), vì vậy thẩm định NLTC của nhóm doanh nghiệp này cần phải được chú trọng và nâng cao hơn nữa. Với những lý do trên, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài “Hoàn thiện thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội” làm luận án tiến sỹ.
2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu
Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu về thẩm định và phân tích tài chính doanh nghiệp nhưng do phạm vi nghiên cứu khác biệt (thẩm định tín dụng nghiên cứu tổng quát hơn thẩm định NLTC), nội dung nghiên cứu không giống nhau (các chỉ tiêu của thẩm định dự án khác với thẩm định NLTC, nội dung phân tích tài chính doanh nghiệp đơn giản hơn thẩm định NLTC, trong khi đó xếp hạng tín nhiệm lại cần có sự đánh giá của các chỉ tiêu phi tài chính) các yếu tố của môi trường kinh doanh thay đổi (đặc biệt là thể chế chính sách). Vì thế, thẩm định tín dụng DNNVV tại hệ thống ngân hàng TMCP ở Việt Nam nói chung và một ngân hàng cụ thể là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm và làm rõ nên luận án của NCS là không có sự trùng lặp với các công trình trước đó.
Mục đích nghiên cứu của luận án.
Mục đích nghiên cứu: Hoàn thiện thẩm định năng lực tài chính DNNVV vay vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là hoàn thiện thẩm định năng lực tài chính DNNVV trong hoạt động cho vay của NHTM
- Phạm vi nghiên cứu
+ Về không gian nghiên cứu: Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội.
+ Về thời gian nghiên cứu:
Số liệu sơ cấp được thu thập năm 2016 thông qua các phiếu điều tra được gửi tới chi nhánh ngân hàng.
Số liệu thứ cấp được thu thập cho giai đoạn 2012 – 2016; giải pháp đến năm 2025.
5. Phương pháp nghiên cứu.
Trong quá trình nghiên cứu, để thực hiện đề tài, NCS vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và phương pháp hệ thống:
Việc nghiên cứu công tác thẩm định năng lực tài chính DNNVV trong hoạt động cho vay tại NHTMCP Quân đội được thực hiện một cách đồng bộ gắn với hoàn cảnh, điều kiện và các giai đoạn cụ thể. Các nội dung của thẩm định được xem xét trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau cả về không gian và thời gian.
- Phương pháp nghiên cứu định lượng:
Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp: NCS sử dụng bảng hỏi (phiếu điều tra) để thu thập thông tin sơ cấp từ MB trên các khía cạnh về thẩm định năng lực tài chính DNNVV trong ngân hàng, các nhân tố ảnh hưởng đến thẩm định năng lực tài chính DNNVV vay vốn tại ngân hàng, sự cần thiết cũng như mức độ sử dụng các tiêu chí thẩm định năng lực tài chính DNNVV.
Phương pháp thống kê, mô tả để phân tích thực trạng thẩm định năng lực tài chính DNNVV trong hoạt động cho vay của NHTM cổ phần Quân đội.
- Phương pháp nghiên cứu định tính:
NCS sử dụng phương pháp này trong việc mô tả lại thực trạng thẩm định năng lực tài chính DNNVV tại MB. Đồng thời, NCS cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để phân tích đặc điểm môi trường kinh doanh của MB có ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định NLTC DNNVV theo quan điểm cá nhân.
- Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp:
Các số liệu thống kê được thu thập thông qua nguồn dữ liệu thứ cấp trong Ngân hàng như: Báo cáo thường niên của ngân hàng, thông tin từ Phòng tài chính – kế toán, Phòng quỹ…. và ngoài Ngân hàng như: Tạp chí ngân hàng, Thời báo ngân hàng, số liệu về dịch vụ ngân hàng qua Internet…
- Phương pháp phân tích số liệu:
Luận án sử dụng phương pháp thống kê: lập bảng biểu, phân tích, so sánh… để hỗ trợ cho việc phân tích thực trạng năng lực tài chính DNNVV tại Ngân hàng Quân đội.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Luận án
Đối với ngân hàng
Những vấn đề cụ thể sát với nội dung thẩm định và điều kiện kinh tế của từng nước như kinh nghiệm của Moody và S&P, NHTM Đức, Malaysia về hệ thống thẩm định năng lực tài chính nội bộ của NHTM có thể được coi là bài học kinh nghiệm, có giá trị vận dụng cao nhằm tăng cường thẩm định năng lực tài chính DNNVV tại NHTM Việt Nam. Hoàn thiện các phương pháp, nội dung, quy trình, hệ thống tiêu chí, tổ chức thực hiện thẩm định NLTC DNNVV để đánh giá toàn diện, chính xác NLTC của DNNVV, đảm bảo chất lượng của hoạt động cho vay, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Đối với DNNVV
Thông qua các tiêu chí phân tích NLTC DNNVV về hiệu quả sử dụng vốn, hệ số khả năng thanh khoản, cơ cấu vốn, hệ số sử dụng tài sản, hệ số sinh lời, giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp chú trọng hơn đến công tác điều hành sản xuất, quản lý chi phí, hiệu quả kinh tế.
Thông qua các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn trong DN; đề ra giải pháp bên trong doanh nghiệp như: xây dựng phương thức quản trị vốn kinh doanh; giải quyết nợ xấu trong hoạt động bán hàng; thành lập cơ quan chuyên trách trong việc kiểm tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng vốn kinh doanh… Từ đó, đề xuất kiến nghị với chủ sở hữu, trong việc quản lý vốn và tài sản cho hiệu quả .
Qua phân tích đánh giá NLTC doanh nghiệp, giúp cho chủ sở hữu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp. Thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát; đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh; quản lý, sử dụng vốn kinh doanh trong các DNNVV
7. Kết cấu Luận án
Ngoài lời mở đầu và kết luận, luận án được kết cấu thành 3 chương.
Chương 1. Lý luận về thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.
Chương 2. Phương pháp nghiên cứu về hoàn thiện thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động cho vay tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội.
Chương 3. Thực trạng thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội.
Chương 4. Giải pháp hoàn thiện thẩm định năng lực tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội.