LA02.073_Hoàn thiện hoạt động thanh tra thuế tại Việt Nam
Những đóng góp mới về mặt học thuật
Các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam chưa thực hiện đánh giá tổng thể tác động của các nhân tố đến kết quả hoạt động thanh tra thuế và sự đồng thuận của người nộp thuế với kết luận thanh tra thuế cũng chưa phân tích, đánh giá cụ thể về tác động của một số nhân tố quan trọng đến 02 nội dung này theo phương pháp định lượng. Thông qua việc kết hợp 02 phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng với 02 khung mô hình nghiên cứu… tác giả luận án đã nghiên cứu bổ sung một số nhân tố tác động; đánh giá tác động tổng thể của các nhân tố; bổ sung, điều chỉnh và xây dựng các thang đo nhân tố tác động đến kết quả hoạt động thanh tra thuế tại Việt Nam (trên khía cạnh phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế) cũng như các thang đo nhân tố tác động đến sự đồng thuận của người nộp thuế về kết luận thanh tra thuế tại Việt Nam. Trong đó, có những đề xuất cơ bản và mới về thang đo nhân tố Thủ tục giám sát hoạt động thanh tra thuế và nhân tố Sự phối hợp phục vụ hoạt động thanh tra thuế.
Những đóng góp về mặt thực tiễn và đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu, khảo sát giúp khẳng định và phát hiện một số vấn đề mới về hoạt động thanh tra thuế tại Việt Nam:
– Sự tác động thuận chiều của Hệ thống quy định pháp luật; Cơ sở dữ liệu về người nộp thuế; Thủ tục giám sát thanh tra; Quy trình – phương pháp thanh tra; Năng lực – phẩm chất của cán bộ thanh tra thuế và Sự phối hợp phục vụ hoạt động thanh tra thuế đối với kết quả hoạt động thanh tra thuế tại Việt Nam;
– Sự tác động thuận chiều của Quy định pháp luật; Thủ tục, phương pháp thanh tra; Thủ tục giám sát hoạt động thanh tra của cơ quan thuế và Năng lực – phẩm chất của cán bộ thanh tra thuế đến sự đồng thuận của người nộp thuế về kết luận thanh tra thuế tại Việt Nam;
– Sự tác động lan tỏa thuận chiều của kết quả hoạt động thanh tra thuế tại Việt Nam và sự tác động lan tỏa thuận chiều của sự đồng thuận của người nộp thuế về kết luận thanh tra tại Việt Nam đến cơ quan thuế (nâng cao hình ảnh, vị thế, năng lực quản lý của cơ quan thuế), đến chính người nộp thuế (nâng cao hiểu biết pháp luật, gia tăng tính tuân thủ) và đến xã hội (tăng cường tác dụng ngăn ngừa vi phạm pháp luật thuế, gia tăng sự ủng hộ đối với cơ quan thuế).
Những khẳng định, phát hiện này chính là cơ sở đề xuất những giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm hoàn thiện hoạt động tranh tra thuế tại Việt Nam. Trong đó, sự phát hiện về mức độ tác động lớn của Thủ tục giám sát thanh tra và Quy trình – phương pháp thanh tra là cơ sở quan trọng để cơ quan thuế Việt Nam xem xét ưu tiên nguồn lực hoàn thiện thủ tục – phương pháp thanh tra cũng như xây dựng cơ chế giám sát, triển khai hiệu quả các thủ tục giám sát để nâng cao kết quả hoạt động thanh tra thuế và gia tăng sự đồng thuận của người nộp thuế đối với kết luận thanh tra thuế.
Có thể tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn về tác động của thủ tục giám sát thanh tra thuế, thủ tục – phương pháp thanh tra thuế đến kết quả thanh tra thuế theo hướng chi tiết hơn nữa các yếu tố phản ánh 02 nhân tố này; mở rộng quy mô mẫu nghiên cứu trên cơ sở gắn với đặc điểm của người nộp thuế để tăng cường ý nghĩa khoa học và thực tiễn của nghiên cứu.