LA02.099_Hoàn thiện chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính ở Việt Nam
Bản luận án đã có những đóng góp mới sau đây:
1. Về lý luận
Luận án đã hệ thống hóa đầy đủ lý luận về dịch vụ tài chính, chính sách thuế, chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính và tác động của chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính. Khác với hầu hết các nghiên cứu trước đây, luận án đã chỉ ra đặc trưng cơ bản của chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính là sự nhạy cảm với lạm phát và khả năng chênh lệch thuế cao. Luận án nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính và rút ra bài học cho Việt Nam.
2. Về thực tiễn
– Luận án đã đánh giá thực trạng chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính trong giai đoạn 2009 – 2016 dựa trên các yêu cầu của chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính cũng như việc thực hiện vai trò của chính sách thuế ở Việt Nam. Quy trình hoàn thiện chính sách thuế cho thấy những thành tựu trên phương diện khuyến khích sự tham gia ngày càng nhiều của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế, mặc dù vẫn có những giới hạn nhất định.
– Luận án đánh giá 3 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân đối với 3 lĩnh vực dịch vụ tài chính gồm dịch vụ ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm cho thấy những cải thiện nhằm tăng thu cho ngân sách, khuyến khích phát triển dịch vụ tài chính. Những hạn chế được phát hiện trong chính sách thuế giá trị gia tăng như chưa bao quát đối tượng chịu thuế, cơ chế khấu trừ thuế giá trị gia tăng bị gián đoạn do dịch vụ tài chính không chịu thuế; chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp chưa đề cập quy định đối với doanh nghiệp “vốn mỏng”; quy định chi phí được trừ, không được trừ chưa tính đến đặc thù của lĩnh vực dịch vụ tài chính; chính sách thuế thu nhập cá nhân không khuyến khích đầu tư chứng khoán ngắn hạn, thiếu công bằng, khả năng chênh lệch thuế cao.
– Luận án đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện chính quy chính và sách thuế đã có. Bổ sung thêm các đề xuất mới như: đánh thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ tài chính, tính và nộp theo phương pháp trực tiếp trên số tiền thu được từ cung cấp dịch vụ tài chính; tiến đến bỏ định mức chi phí lãi vay không quá 150% lãi suất cơ bản đối với hợp đồng vay không phải của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, thay bằng quy định tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu với doanh nghiệp vốn mỏng; chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán theo số thực lãi, trong đó thực lãi là chênh lệch giữa tổng giá bán bình quân với tổng giá mua bình quân xác định theo giá trung bình của từng lô giao dịch.
– Về phương pháp nghiên cứu: luận án sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia để kiểm tra mức độ phù hợp của những tiêu chí đánh giá thực trạng chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính với lý thuyết, kết hợp khảo sát giúp làm tăng thêm tính thuyết phục cho các nhận định, đánh giá về thực trạng chính sách thuế đối với các dịch vụ tài chính.