LA16.011_Hiệu quả kinh tế và những rủi ro trong sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
1. Tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu
Hồ tiêu (Piper nigrum L.) được mệnh danh là “Vua của các loại gia vị”[78]. Hiện nay, hồ tiêu là một trong những mặt hàng chiến lược xuất khẩu của các nước vùng nhiệt đới đặc biệt ở Châu Phi và Châu Á [29]. Việt Nam là nước giữ ngôi vị đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới. Năm 2013, hồ tiêu Việt Nam chiếm 32,9% tổng sản lượng và 62,68% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới. Sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở trên 100 nước và vùng lãnh thổ [20],[21]. Ở Việt Nam, hồ tiêu đã và đang trở thành cây trồng có thế mạnh vì đem lại giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao. Nó được đánh giá là cây trồng có hiệu quả cao nhất trong 5 loại cây công nghiệp lâu năm của Việt Nam [20]. Trong chiến lược phát triển, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hàng hồ tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với các chỉ tiêu chính: sản xuất ổn định 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm 47.000 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn, chú trọng phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu phục vụ xuất khẩu [7]. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã đưa ra các giải pháp phát triển sản xuất hồ tiêu theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) nhằm sản xuất hồ tiêu hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường và xây dựng được thương hiệu Hồ tiêu Việt Nam chất lượng cao, có uy tín trên thị trường thế giới [19].
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở phía Nam của Bắc Trung Bộ có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp lâu năm, trong đó có cây hồ tiêu. Hồ tiêu Quảng Trị nổi tiếng trong cả nước bởi hàm lượng tinh dầu cao, chất lượng sản phẩm tốt và đã có được chỉ dẫn địa lý trên bản đồ sản xuất hồ tiêu của Việt Nam [51],[38]. Trong chiến lược phát triển kinh tế, hồ tiêu được xác định là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực (cao su, hồ tiêu và cà phê) với tiềm năng phát triển từ 5.000 – 8.000 ha [39]. Trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng hồ tiêu không ngừng tăng lên. Năm 2013, diện tích sản xuất hồ tiêu là 2.094,7 ha, tăng 4,4% so với năm 2012 và sản lượng đạt 2.138,3 tấn, tăng 9,1% so với năm 2012 [11]. Sản xuất hồ tiêu đã góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, sản xuất hồ tiêu ở tỉnh Quảng Trị chủ yếu phát triển ở quy mô nông hộ. Hộ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do hồ tiêu được sản xuất theo quy mô nhỏ (diện tích trung bình 0,15 – 0,2 ha/hộ), phân tán (trung bình mỗi hộ có 1,5 – 2 vườn hồ tiêu), việc đầu tư nguồn lực còn hạn chế, nhiều hộ chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất. Bên cạnh đó, hộ sản xuất luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn như năng suất chưa cao và không ổn định, chi phí sản xuất biến động theo xu hướng tăng, tình trạng thời tiết và sâu bệnh diễn biến phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng đến thu nhập và hiệu quả kinh tế [40].
Nhận thức được những vấn đề đã và đang diễn ra trong quá trình sản xuất hồ tiêu, trong những năm qua đã có nhiều công trình khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về ngành hàng hồ tiêu. Các tác giả Jaafar [68], Radam [77], Rosli [79], Resmi [78] đã sử dụng phương pháp định lượng để đánh giá hiệu quả kỹ thuật, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cũng như việc áp dụng công nghệ trong sản xuất hồ tiêu của hộ sản xuất. Nguyễn Đức Cường [12], Nguyễn Minh Hiếu [23], Lê Văn Gia Nhỏ [32], Nguyễn Tăng Tôn [47] sử dụng các phương pháp hạch toán hàng năm và phân tích đầu tư dài hạn để phân tích hiệu quả kinh tế và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế sản xuất hồ tiêu. Ở khía cạnh khác, các tác giả Ann [56], Anandaraj [55], Huỳnh Văn Định [13], Lã Phạm Lân [27], Nguyễn Vĩnh Trường [50] đã nghiên cứu rủi ro trong sản xuất hồ tiêu liên quan đến sâu bệnh hại và kỹ thuật canh tác. Nhìn chung, những nghiên cứu về cây hồ tiêu được tiến hành ở nhiều khía cạnh riêng biệt. Một điểm chung của các công trình nghiên cứu là hiệu quả kinh tế sản xuất hồ tiêu được nghiên cứu trong trạng thái tĩnh. Trong khi đó, cây hồ tiêu có chu kỳ sản xuất dài, hiệu quả kinh tế thường xuyên biến động do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động. Nghiên cứu hiệu quả kinh tế ở trạng thái tĩnh sẽ không phản ảnh đúng và đầy đủ hiệu quả kinh tế sản xuất hồ tiêu. Vì vậy, nghiên cứu hiệu quả kinh tế và sự biến động hiệu quả kinh tế trong điều kiện sản xuất có rủi ro sẽ phản ánh toàn diện hoạt động sản xuất hồ tiêu.
Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã lựa chọn đề tài: “Hiệu quả kinh tế và những rủi ro trong sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” làm đề tài Luận án tiến sĩ của mình