LA16.012_Hiệu quả kinh tế chăn nuôi gà ở tỉnh Thừa Thiên Huế
1. Tính cấp thiết của đề tài
Để ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, cần phải kết hợp phát triển đồng thời cả hai ngành trồng trọt và chăn nuôi một cách có kế hoạch và bền vững, trong đó giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ngày càng tăng lên [4]. Trong ngành chăn nuôi, gia cầm là vật nuôi quan trọng thứ hai sau lợn nhưng là vật nuôi phổ biến của mọi người dân, ở vùng nông thôn có đến 80% số hộ là có chăn nuôi gia cầm. Trong chăn nuôi gia cầm, gà là vật nuôi chủ yếu, đàn gà chiếm khoảng 75% tổng số lượng đàn gia cầm và hàng năm cung cấp khoảng 350 – 450 ngàn tấn thịt [22]. Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển chăn nuôi toàn diện. Theo quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi của tỉnh đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt khoảng 40% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tổng số đàn gia cầm đạt trên 3,1 triệu con, trong đó gà là 2,1 triệu con, tổng sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 5 ngàn tấn, trong đó thịt gà trên 3 ngàn tấn và gà thịt được xác định là một trong ba vật nuôi chủ lực của tỉnh bên cạnh bò thịt và lợn thịt [6].
Trong thời gian qua hoạt động chăn nuôi gia cầm nói chung và gà nói riêng ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu đáng kể, số lượng đàn và sản lượng thịt liên tục tăng lên từ 1,63 triệu con gia cầm (trong đó gà thịt khoảng 0,9 triệu con) và gần 3 ngàn tấn thịt (trong đó thịt gà đạt gần 2 ngàn tấn) năm 2007 lên 2,12 triệu con (trong đó gà thịt là 1,13 triệu con) và 3,82 ngàn tấn thịt (trong đó thịt gà là 2,32 ngàn tấn) năm 2013 [6][12]. Bên cạnh sự tăng lên về số lượng, chất lượng thịt cũng được nâng lên nhờ cải thiện hình thức nuôi và chất lượng con giống. Chăn nuôi gà đã góp phần đáng kể vào tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; cải thiện bữa ăn và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gà chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, còn rất nhiều khó khăn và bất cập dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao và bền vững, chưa tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Có thể nói cả những người làm công tác quản lý và người chăn nuôi còn băn khoăn, trăn trở trong việc lựa chọn hình thức nuôi, quy mô nuôi, giống gà nuôi, thời gian nuôi… như thế nào sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Bên cạnh đó, trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, luôn biến động khó lường và đòi hỏi của hội nhập kinh tế hiện nay thì thách thức đối với ngành chăn nuôi gà ở nước ta ngày càng lớn. Ngành chăn nuôi gà không chỉ phải đáp ứng tốt như cầu ngày càng cao và khắt khe của người tiêu dùng trong nước, duy trì được sự ổn định trong hoạt động của mình để góp
phần vào sự ổn định nền kinh tế vĩ mô mà còn phải cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài và tiến tới xuất khẩu sản phẩm. Để giải quyết những vấn đề này, không còn con đường nào khác là ngành chăn nuôi gà phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Mặc dù vậy, các nghiên cứu về hiệu quả kinh tế chăn nuôi gà ở nước ta còn rất hạn chế so với yêu cầu đề ra, có chăng các tổ chức và cá nhân chỉ tập trung nghiên cứu nhiều về vấn đề kỹ thuật và thể chế, còn vấn đề về hiệu quả kinh tế chỉ được một số tác giả nghiên cứu như Nguyễn Văn Đức và Trần Long [64], Nguyễn Quốc Nghi [28] hay Đinh Xuân Tùng [93]… Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh tế chăn nuôi gà theo nhiều tiêu chí khác nhau và các vấn đề như hiệu quả kinh tế trong điều kiện rủi ro hay hiệu quả kỹ thuật cũng chưa được đề cập. Bên cạnh đó, nếu so sánh với các nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài như Adepoju [54], Kalla [78], Morrison và Gunn [83] hay Micah [81]… thì cách thức nhìn nhận vấn đề, hệ thống chỉ tiêu tính toán và so sánh hiệu quả kinh tế của các nhà khoa học trong nước là có sự khác biệt đáng kể. Trước những vấn đề lý luận và thực tiễn có tính thời sự này, chúng tôi chọn đề tài “Hiệu quả kinh tế chăn nuôi gà ở tỉnh Thừa Thiên Huế” làm đề tài luận án tiến sĩ