ThS35.003_Hiệu quả của Phẫu thuật tạo đường hầm OMC – túi mật – da thực hiện trong điều trị sỏi đường mật trong và ngoài gan sót và tái phát
Sỏi đường mật là một bệnh phổ biến của vùng Đông Á, trong đó sỏi trong gan vẫn còn chiếm tỉ lệ khá cao 18-55% [28],[73],[143]. Bệnh sỏi đường mật tại châu Á thường gây bệnh cảnh nhiễm trùng và có khuynh hướng tái phát. Bệnh cảnhlâm sàng được Digby mô tả đầu tiên năm 1930, Cook lần đầu gọi bệnh cảnh này làviêm đường mật sinh mủ tái diễn (recurrent pyogenic cholangitis) vào năm 1954.
Tại Đài Loan, sỏi gan được gọi là bệnh “viêm gan đường mật phương Đông” hay “viêm đường mật sinh mủ” [81],[91]. Ở Việt Nam, bệnh sỏi đường mật rất thường gặp tại tất cả các bệnh viện đa khoa và ngoại khoa. Nghiên cứu của bệnh viện Việt- Đức trong 4 năm (1990-1994) có 2090 sỏi đường mật, trong đó sỏi gan đơn thuần và phối hợp chiếm 75% [37]. Tại bệnh viện Bình Dân trong 5 năm (1995-1999) có 2674 TH sỏi đường mật [43]. Sỏi đường mật tại các nước phương Đông đa số là sỏi nguyên phát, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nếu không xử trí kịp thời. Tỉ lệ tử vong của bệnh trước đây rất cao, tại Việt Nam giai đoạn 1976-1989 là 10%, giai đoạn 1990-1998 là 1% [38]. Theo tổng kết tại Nhật Bản, trước thập niên 1970, tỉ lệ tử vong của BN viêm đường mật cấp trên 50%, nhưng với sự phát triển của khoa chăm sóc tích cực, kháng sinh mới, dẫn lưu đường mật kịp thời, tỉ lệ tử vong dưới 7% vào thập niên 1980. Tuy vậy, ngay cả trong thập niên 1990 vẫn còn các báo cáo với tỉ lệ tử vong từ 11-27% trong những trường hợp nặng và hiện nay viêm đường mật cấp vẫn còn là bệnh lý có thể gây tử vong nếu không được điều trị thích hợp [150].
Hai vấn đề lớn trong điều trị sỏi đường mật là sỏi sót và sỏi tái phát. Cho đến hiện nay, sỏi sót đã được giải quyết phần lớn nhờ nội soi đường mật và các kỹ thuật tán sỏi mật, tuy nhiên sỏi đường mật tái phát vẫn còn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là sỏi đường mật trong gan. Có nhiều giả thiết về cơ chế sinh bệnh của sỏi mật nhưng vẫn chưa có biện pháp hiệu quả ngăn ngừa sỏi tái phát sau điều trị. Tỉ lệ tái phát của sỏi đường mật rất cao sau nhiều năm, đặc biệt là sỏi trong gan, từ 28-100% tùy theo BN có hẹp hoặc không hẹp đường mật trong gan và có hoặc không có cắt thùy gan [66],[81],[104],[148].
Nhiều phương pháp điều trị sỏi đường mật được áp dụng tại Việt Nam nhưng đa số các phương pháp điều trị chỉ làm sạch sỏi mà không xử lý được sỏi tái phát. Có nhiều trường hợp phải mổ BN nhiều lần vì sỏi sót, sỏi tái phát, hẹp đường mật, hẹp miệng nối mật – ruột. Khi mổ lại những BN bị sỏi mật thường rất khó khăn, có thể có nhiều biến chứng, đặc biệt là trong bệnh cảnh cấp cứu. Chính vì vậy, nhiều công trình nghiên cứu áp dụng những kỹ thuật nhằm tạo một ngõ vào đường mật để xử lý sỏi mật tái phát mà không cần phải mở bụng lại.
Gần đây, tại Việt Nam, một số bệnh viện đã áp dụng các kỹ thuật tạo ngõ vào đường mật để xử lý sỏi tái phát như : nối ống gan – hỗng tràng với đầu quai hỗngtràng Roux – en – Y đặt dưới da (mật – ruột – da), mở thông ống mật chủ ra dabằng một đoạn hỗng tràng biệt lập…Các phương pháp khâu nối ruột đều có một số biến chứng như: xì rò miệng nối, thoát vị nội, hẹp miệng nối…Một số phương pháp buộc phải cắt bỏ túi mật (vốn hoàn toàn bình thường) và làm mất chức năng tự nhiên của cơ vòng Oddi. Giun sẽ dễ dàng lên đường mật gây ứ đọng và nhiễm trùng, góp phần tạo sỏi tái phát.
Từ năm 1994 đến nay, tại Trung Quốc có trên 20 bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật mới nối phễu túi mật với OMC tạo đường hầm OMC – túi mật – da rất an toàn và hiệu quả. Qua đường hầm này, có thể xử lý được sỏi sót, sỏi tái phát, chụp X quang đường mật và giải áp đường mật cấp cứu. Công trình nghiên cứu này ứng dụng phẫu thuật trên với hy vọng góp thêm một giải pháp điều trị sỏi đường mật ở nước ta, vấn đề nghiên cứu được đặt ra với câu hỏi như sau: Phẫu thuật tạo đường hầm OMC – túi mật – da có dễ thực hiện và an toàn cho bệnh nhân hay không? Hiệu quả của phẫu thuật này trong điều trị sỏi đường mật trong và ngoài gan sót và tái phát như thế nào?