LA20.111_Hiệu quả của phẫu thuật giải ép vi mạch trong điều trị co giật nửa mặt
Co giật nửa mặt được phân vào nhóm rối loạn chức năng kiểu tăng động của các dây thần kinh sọ có nguyên nhân là do sự chèn ép của mạch máu ở vị trí đi ra của dây thần kinh tại thân não [42]. Phẫu thuật giải ép vi mạch thông qua đường dưới chẩm sau xoang sigma ngày nay được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh lý này. Bệnh lý co giật nửa mặt là bệnh lý thần kinh mãn tính, biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi những cơn co giật một bên mặt, ngắt quãng, không tự ý. Bệnh không gây đau hay đe dọa tính mạng, nhưng một khi chẩn đoán được xác lập, bệnh cần được điều trị vì những ảnh hưởng không nhỏ của nó về mặt thẩm mỹ và tâm lí xã hội. Khi đã được chẩn đoán co giật nửa mặt, hiện nay bệnh nhân có thể lựa chọn giữa hai cách điều trị là tiêm độc tố Botulinum và phẫu thuật giải ép vi mạch dây thần kinh mặt. Độc tố Botulinum có lợi trong việc làm giảm cường độ co giật nửa mặt nhưng hiệu quả chỉ ngắn hạn cần phải tiêm lập lại nhiều lần. Trong khi đó phương pháp điều trị triệt để là phẫu thuật giải ép vi mạch. Phương pháp này điều trị hết bệnh với tỉ lệ 85%-90% các trường hợp và nếu được thực hiện bởi các chuyên gia thì tỉ lệ tai biến hoặc biến chứng rất thấp dưới 1% [41]. Theo nghiên cứu, nguyên nhân gây ra cơn co giật mặt là do dây thần kinh VII bị chèn ép bởi một hay nhiều mạch máu tại vùng gốc đi ra của dây thần kinh mặt, là nơi chuyển tiếp giữa các tế bào chứa myelin trung ương (tế bào ít nhánh) thành các tế bào chứa myelin ngoại biên (tế bào Schwann) [41].
Năm 1976, Jannetta là người đầu tiên mô tả chi tiết về giả thuyết tương tác mạch máu thần kinh này và ông cũng là người hoàn thiện kỹ thuật mổ vi phẫu giải ép vi mạch để điều trị chứng co giật nửa mặt. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới về phẫu thuật giải ép vi mạch trong điều trị co giật nửa mặt. Tuy nhiên tại Việt Nam phẫu thuật giải ép vi mạch được thực hiện từ năm 1998 sau đó cũng phát triển đến các trung tâm Ngoại Thần Kinh cả nước, tuy nhiên phương pháp này chủ yếu được nghiên cứu trên bệnh lý đau thần kinh V nguyên phát và cho đến nay cũng chưa có một nghiên cứu đầy đủ về phương pháp phẫu thuật giải ép vi mạch trong điều trị bệnh lý co giật nửa mặt. Với nhu cầu từ thực tế cần phải có một nghiên cứu sâu về phương pháp điều trị, để từ đó có thể góp thêm một số dữ liệu về hiệu quả của phẫu thuật giải ép vi mạch trong điều trị bệnh lý này với các câu hỏi nghiên cứu sau:
Hiệu quả của phẫu thuật giải ép vi mạch trong điều trị bệnh lý co giật nửa mặt như thế nào?
Các yếu tố nào ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật?
Các yếu tố nào ảnh hưởng đến biến chứng liệt mặt sau phẫu thuật?
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Đánh giá hiệu quả của phẫu thuật giải ép vi mạch trên bệnh nhân co giật nửa mặt.
2. Khảo sát mối tương quan giữa thời gian khởi phát bệnh, mức độ nặng của bệnh với kết quả phẫu thuật.
3. Khảo sát mối tương quan giữa số lượng mạch máu, vị trí chèn ép mạch máu trên thần kinh VII với biến chứng liệt mặt sau phẫu thuật