ThS33.057_Hát Lượn Slương của người Tày (qua khảo sát ở xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn)
1. Lý do chọn đề tài
Dân ca sinh hoạt của người Tày có nhiều thể loại, trong đó thể loại giao duyên là phổ biến nhất, từ lâu đã được ghi lại bằng chữ nôm Tày. Trong đó các văn bản nôm lượn Slương là điểm sáng so với các thể loại hát giao duyên khác của người Tày. Lượn Slương là điển hình cho thể loại hát giao duyên của người Tày. Điều đó được thể hiện qua nội dung các bài lượn mà ở đó có cả lịch sử tộc người, có các truyền thuyết xa xưa và có cả thế giới thần linh. Ngoài ra lượn Slương còn miêu tả chân thực về cuộc sống lao động sản xuất, những nét sinh hoạt xã hội cũng như cả lễ hội dân gian của người Tày. Lượn Slương cũng như nhiều thể loại hát giao duyên khác của người Tày là nó được hình thành và phong phú dần lên nhờ công sức của nhiều thế hệ truyền lại. Từ các văn bản nôm ở các địa phương khác nhau đã chứng minh cho tính địa phương của lượn Slương. Mặt khác, ngoài đặc trưng riêng ra trong phương thức sinh hoạt hát lượn Slương lại có điểm tương đồng với dân ca giao duyên của người Kinh ở đồng bằng. Tìm hiểu điều này chắc chắn sẽ mang lại những hiểu biết sâu sắc thêm về lượn Slương.
Cũng như các loại hình hát dân ca của nhiều dân tộc khác, các hình thức hát dân ca giao duyên của người Tày nói chung trong đó có lượn Slương cũng đang có nguy cơ bị mai một. Xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là một trong số ít địa phương của Bắc Kạn còn bảo lưu được tục hát lượn Slương với những lời ca mang đậm dấu ấn địa phương. Tìm hiểu tục hát lượn Slương ở đây là một việc làm cần thiết không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn góp phần vào việc tìm hiểu, phát huy các giá trị văn hóa đang có nguy cơ đi vào quên lãng của người Tày nói chung và người Tày ở Bắc Kạn nói riêng. Vì vậy, tác giả chọn đề tài “Hát Lượn Slương của người Tày (qua khảo sát ở xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn)” làm luận văn tốt nghiệp với mong muốn góp một phần vào việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị của văn hóa tộc người.
2. Lịch sử vấn đề
Dân ca Tày đã có những đóng góp cho nền văn hoá nghệ thuật thêm phong phú, đa dạng đặc sắc qua các thể loại khác nhau như lượn Cọi, lượn Slương, lượn Nàng ới, Hát Iếu…Qua quá trình lao động sản xuất, chiến đấu, người Tày đã sáng tạo nên một kho tàng vô cùng giàu có về hát lượn. Tuy vậy, trước đây cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày không có kho lưu giữ, thư viện, hay nhà xuất bản nên văn học chủ yếu được lưu chuyển thông qua hình thức truyền miệng. Cũng do ưu thế của thể loại mà những bài hát lượn Slương được truyền cho các thế hệ nối tiếp nhau trong những dịp lễ hội, trong sinh hoạt cộng đồng,… trong tình cảm của những người yêu mến thơ ca dân gian của dân tộc. Có những bài viết, những luận văn, đề tài đã nghiên cứu về hát lượn nói chung song đề tài nghiên cứu về hát lượn Slương nói riêng thì gần như chưa có.
Một số công trình sưu tầm, khảo cứu có liên quan đến đề tài xuất hiện như:
– Tạp chí văn học số 3 (1976) có bài viết: “Vài suy nghĩ về hát Quan lang, phong Slư, Lượn” của nhà văn Vi Hồng. Trong bài viết của mình tác giả giới thiệu về những nội dung tổ chức, hình thức lề lối cơ bản, khái quát về loại hình dân ca phổ biến của dân tộc Tày, Nùng [10]. Tuy nhiên ở đây tác giả mới chỉ giới thiệu khái quát về các loại dân ca Tày, Nùng.
– Cũng trong cuốn “Sli lượn dân ca trữ tình Tày – Nùng” cũng của tác giả Vi Hồng in năm 1979 có giới thiệu về đời sống văn hóa, tinh thần của hai dân tộc Tày, Nùng qua làn điệu dân ca sli, l ượn cùng với đề tài, nội dung tư tưởng, ý nghĩa thẩm mỹ cũng như cung cách xây dựng hình tượng của sli, lượn.
– Năm 1983, trong giáo trình “Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam”, tác giả Võ Quang Nhơn đã có sự tổng hợp, so sánh nghiên cứu về thơ ca dân gian các dân tộc nói chung, trong đó có loại hình dân ca lượn của dân tộc Tày nói riêng. [26].
Cuốn “Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam” do Phan Đăng Nhật chủ biên, xuất bản năm 1981, trong đó cũng có giới thiệu một số bài lượn của dân tộc Tày [27]. Các tác giả đã đề cập đến lượn nói chung của dân tộc Tày. Trong đó các nhà nghiên cứu giới thiệu về cách thức, tổ chức, hệ thống của lượn, cũng như giá trị của thể loại dân ca trữ tình này trong đời sống văn hoá của dân tộc Tày. Cuốn “Lượn cọi Tày – Nùng”, của Cung Khắc Lược, Lê Bích Ngân (1987), hay “Âm nhạc dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao Lạng Sơn” của Nông Thị Nhình cũng nói nột ít về dân ca của dân tộc Tày [22]. Vậy công tác sưu tầm, nghiên cứu về lượn nói chung còn rất khiêm tốn, so với bề dày nền văn hoá lượn của dân tộc Tày . Trong các công trình khoa học của những nhà nghiên cứu tuy chưa
khám phá hết những giá trị của loại hình dân ca lượn; Nhưng các công trình trên là những gợi mở, là tiền đề khoa học có giá trị to lớn cho việc nghiên cứu đề tài trên.
Đối với dân tộc Tày Xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn hát lượn Slương là một loại hình sinh hoạt văn hoá tập thể, được lưu truyền ở nhiều bản làng của người Tày, trở thành nét sinh hoạt độc đáo riêng của người Tày nơi đây. Dù đã được biết đến, nhưng hát lượn Slương của dân tộc Tày ở Yên Cư vẫn chưa có được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, việc tìm hiểu về hát lượn Slương ở Yên Cư là việc làm thiết thực trong đời sống hiện nay, góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy nền văn học văn nghệ vô cùng quý giá của cả dân tộc