LA08.053_Hành vi tẩy chay hàng tiêu dùng: Nghiên cứu tại Việt Nam
Trong kinh doanh quốc tế, việc hình thành nên các chiến lược kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, việc hiểu biết sâu sắc hành vi của người tiêu dùng là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Khi nghiên cứu về hành vi tiêu dùng, hành vi tẩy chay là chủ đềthu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Khoảng cuối thập niên 90 trở lại đây, các tạp chí hàn lâm hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị đều dành riêng các ấn bản chuyên sâu những chủ đề nghiên cứu liên quan đến hành vi tẩy chay. Điều này chứng tỏ nghiên cứu về hành vi tẩy chay đóng một vai trò quan trọng cho cả lý thuyết và thực tiễn quản trị.
Tẩy chay đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu hành vi bởi vì trong bối cảnh toàn cầu hóa và đặc biệt sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay, sự tẩy chay của người tiêu dùng ngày càng có cơ hội lan tỏa và gây thiệt hại không nhỏ đến uy tín, thương hiệu, giá trị của các công ty. Mục tiêu của luận án là khám phá, mở rộng và kiểm định mô hình hành vi tẩy chay của người tiêu dùng dựa trên nền lý thuyết đánh giá mang tính nhận thức của cảm xúc, thuyết bản sắc xã hội, thuyết bất hòa mang tính nhận thức, thuyết hiệu ứng bàng quan và phân tán trách nhiệm. Các nghiên cứu trước chỉ đo lường hành vi tẩy chay qua khái niệm được đặt tên sự sẵn lòng tẩy chay, luận án này đã phát hiện thêm thành phần mới mang tên kêu gọi tẩy chay. Thành phần mới này đã được chứng minh độ tin cậy và giá trị.
Phương pháp hỗn hợp (định tính và định lượng) đã được sử dụng trong công trình này. Nghiên cứu định tính được thực hiện với nhiều giai đoạn khác nhau với sự phối hợp các phương pháp gồm netnography, grounded theory nhằm mục đích khám phá các thành phần của hành vi tẩy chay và các yếu tố tác động. Nghiên cứu chuyên gia được thực hiện ở giai đoạn kế tiếp nhằm đánh giá giá trị nội dung, giá trị trực diện của các khái niệm. Nghiên cứu định lượng chính thức được thực hiện với 1138 mẫu khảo sát. Trong giai đoạn này, mô hình đo lường và mô hình lý thuyết được kiểm định với các kỹ thuật tiếp cận như phân tích yếu tố khám phá (EFA), phân tích yếu tố khẳng định (CFA), và sau cùng, kỹ thuật mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM) được sử dụng để kiểm định mô hình lý thuyết. Các phần mềm sử dụng cho luận án gồm QSRNVivo phiên bản 8.0 (cho giai đoạn định tính), IBM SPSS phiên bản 20 và Amos phiên bản 20 (giai đoạn định lượng).
Luận án đã phát hiện kêu gọi tẩy chay là một thành phần mới góp phần đo lường hành vi tẩy chay bên cạnh sự sẵn lòng tẩy chay. Kết quả nghiên cứu mang lại những giá trị đóng góp nhất định ở khía cạnh lý thuyết và thực tiễn quản trị. Đối với lý thuyết, luận án đề xuất các thang đo lường liên quan đến hành vi tẩy chay và thang đo lường liên quan đến nhóm các yếu tố tác động trực tiếp và gián tiếp đến hành vi tẩy chay; các mối quan hệ được khẳng định trong phần kết quả nghiên cứu và kết quả kiểm định các giả thuyết. Kết quả này cho thấy hành vi tẩy chay của người tiêu dùng chịu sự tác động của các nhóm yếu tố liên quan đến sự đánh giá mang tính nhận thức, cảm xúc, sự đánh giá sản phẩm, vị chủng tiêu dùng, và chủ nghĩa yêu nước.
Về khía cạnh thực tiễn quản trị, kết quả nghiên cứu về hành vi tẩy chay tại một thị trường cụ thể giúp các doanh nghiệp chuẩn bị các chiến lược ứng phó phù hợp, đặc biệt là trong kinh doanh quốc tế, việc lựa chọn các chiến lược kinh doanh rất quan trọng đối với các công ty đa quốc gia bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các chiến lược xâm nhập và các chiến lược ở cấp độ chức năng như chiến lược sản xuất, chiến lược marketing. Nghiên cứu này đóng góp vào mô hình lý thuyết về hành vi tẩy chay và góp phần giúp nhà quản trị các công ty lựa chọn được chiến lược kinh doanh.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu mang lại những hàm ý quản trị cho các doanh nghiệp trong nước xây dựng các chương trình quảng cáo, tiếp thị thu hút được sự chú ý từ người tiêu dùng. Doanh nghiệp nội nên chú trọng đến quá trình đảm bảo chất lượng sản phẩm; chỉ có những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh thì sản phẩm đó mới nhận được sự chấp nhận của người tiêu dùng.
Đối với các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu cũng đóng góp những hàm ý về chính sách vĩ mô quan trọng. Hình ảnh của một quốc gia trong mắt người tiêu dùng được cấu thành bởi các hành động của chính phủ quốc gia đó trong hiện tại và quá khứ, vì vậy việc hoạch định chính sách đối ngoại, quan hệ quốc tế, chính sách kinh tế, thương mại của mỗi quốc gia phải tính đến sự đánh giá mang tính nhận thức và cảm xúc của người tiêu dùng ở các nước có liên quan đến sự giao dịch thương mại lẫn nhau.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hoá sản xuất và toàn cầu hoá thị trường, các quốc gia hội nhập và phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau ở quy mô khu vực và toàn cầu. Chỉ cần hành vi tẩy chay của người tiêu dùng xảy ra ở một quốc gia, sự lan toả của nó dưới sự hỗ trợ của Internet, mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến các công ty trên toàn thế giới. Nếu sự đánh giá và cảm xúc của người tiêu dùng mang tính tiêu cực, hành vi tẩy chay của họ xảy ra và lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thì các công ty tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế và cả các công ty nội sẽ gánh chịu hậu quả trực tiếp, và do đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng mậu dịch và giá trị thương hiệu.
Việc ban hành những chính sách thúc đẩy lòng yêu nước, cổ vũ người tiêu dùng ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước để góp phần giữ vững nền sản xuất nội địa là việc làm cần thiết. Kết quả nghiên cứu cũng mang lại hàm ý rằng giáo dục lòng yêu nước cho người dân là việc làm quan trọng nên được chú ý trong chương trình giáo dục ngay từ nhỏ; phải làm sao để mỗi người dân ý thức được việc sử dụng hàng hóa trong nước là góp phần thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển, góp phần cho nền kinh tế đất nước tăng trưởng là một trong những nội dung giáo dục nhận thức nên được chú ý và duy trì.
Luận án này cũng có những hạn chế nhất định. Sản phẩm được khảo sát trong luận án là sản phẩm nói chung. Khi áp dụng cho nhóm sản phẩm cụ thể (vd., thực phẩm, điện thoại…) thì kết quả nghiên cứu có thể thay đổi. Hạn chế kế tiếp liên quan đến phạm vi và phương thức lấy mẫu. Giai đoạn nghiên cứu định tính cần đa dạng hoá các nhóm đối tượng khác nhau để khám phá thêm nhiều thành phần có ý nghĩa. TpHCM được chọn là nơi thực hiện nghiên cứu với phương pháp lấy mẫu phi xác suất cho giai đoạn nghiên cứu định lượng. Kết quả nghiên cứu sẽ có tính khái quát và giá trị hơn nữa nếu như nghiên cứu được thực hiện ở nhiều thành phố khác tại thị trường Việt Nam với cách tiếp cận mẫu tối ưu hơn