ThS31_133_Góp phần phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh thông qua dạy học giải tích lớp 11 THPT
Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài góp phần phát triển đất nước. Do đó năng lực tư duy của học sinh phải được rèn luyện, trong đó việc phát triển và bồi dưỡng tư duy sáng tạo là rất quan trọng và cấp thiết. Nó góp phần hình thành khả năng phát triển trí tuệ cho học sinh để học tập và lao động.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là mục tiêu quan trọng của sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay ở nước ta, trong đó đổi mới phương pháp dạy học được coi là một trong những nhiệm vụ nhằm đào tạo những người lao động được phát triển toàn diện, có t¬¬ư duy sáng tạo, có năng lực thực hành giỏi, có khả năng đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn với phát triển nền kinh tế trí thức và xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, chính vì vậy Luật Giáo dục đã quy định: “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng năng lực tự học, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” (Luật Giáo dục 2005).
Trong nước và cũng như trên thế giới, ta thấy rằng việc phát triển con người luôn gắn liền với việc phải phát triển giáo dục. Đó gần như là điều kiện tiên quyết để có được một đất nước giàu mạnh. Chính vì thế, có rất nhiều tác giả trong nước cũng như quốc tế coi việc phát triển tư duy của con người trong đó có tư duy sáng tạo là việc làm quan trọng. Các tác giả trong nước như Nguyễn Bá Kim, Bùi Văn Nghị, Đào Tam,… Ngoài nước thì có Polia, Crutexki… đã có những nghiên cứu về các lĩnh vực phát triển năng lực nói chung và cũng như năng lực tư duy sáng tạo nói riêng. Vì những điều đó cho thấy việc quan tâm tới phát triển năng lực tư duy sáng tạo là hết sức cần thiết.
Khi nghiên cứu về chương trình SGK môn toán hiện hành, chúng tôi nhận thấy rằng chương trình đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản trong giai đoạn vừa qua: đảm bảo truyền thụ cho học sinh tri thức khoa học một cách hệ thống; kiến thức, sự hiểu biết và khả năng về toán học và khoa học không thua kém nhiều so với học sinh ở các nước có nền giáo dục phát triển. Nhìn chung chương trình môn toán hiện hành, phù hợp với số đông học sinh, khả thi với giáo viên; cách kiểm tra truyền thống đã khá hiệu quả trong việc đo lường mức độ thành tích học tập môn toán của học sinh trong việc nắm kiến thức và các kĩ năng tính toán.
Khi nghiên cứu sâu về chương trình ở THPT, chúng tôi đánh giá nội dung giải tích của chương trình toán lớp 11 có nhiều phần mà nếu giáo viên biết khai thác và định hướng tốt thì sẽ góp phần phát triển tư duy sáng tạo của học sinh 11 nói riêng và của cả cấp học THPT nói chung. Từ đó cho thấy rằng, cần phải có một chương trình dạy cụ thể về mặt phương pháp cũng như nội dung để góp phần phát triển tư duy sáng tạo của học sinh thông qua dạy học giải tích lớp 11.
Theo quan sát của chúng tôi ở trường THPT hiện nay đa số còn chưa chú trọng nhiều đến việc phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh, chỉ có các trường chuyên hoặc những lớp chọn mới có điều kiện tiếp xúc với các kiến thức nhằm phát triển tư duy sáng tạo thông qua các buổi học phụ đạo nâng cao. Ngoài ra, nội dung và phương pháp dạy học còn năng về truyền thụ kiến thức. Vì thế khả năng tư duy của học sinh còn nhiều hạn chế. Do đó cần có các biện pháp cụ thể ở từng cấp học, từng đối tượng học sinh nhằm giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo để khắc sâu các kiến thức góp phần nâng cao thành tích học tập tốt hơn.
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về nội dung cũng như phương pháp dạy học trong nội bộ môn toán nhằm giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, nhưng chưa có những nghiên cứu cụ thể về các nội dung của giải tích lớp 11. Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu “ Góp phần phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh thông qua dạy học giải tích lớp 11 THPT”.