LA35.011_Giáo dục nghệ thuật cho bộ đội hiện nay qua ca khúc về Bộ đội Cụ Hồ (sáng tác từ năm 1944 đến năm 1975)
1. Lý do chọn đề tài
Trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng con người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN nói chung, giáo dục, bồi dưỡng quân nhân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, GDNT có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua các loại hình GDNT, trong đó có giáo dục âm nhạc, sẽ góp phần bồi dưỡng, phát triển, hoàn thiện nhu cầu nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ, giáo dục, bồi dưỡng, phát triển nhân cách. Đặc biệt, hoạt động GDNT trong quân đội, nhất là GDNT qua ca khúc về BĐCH sẽ góp phần giáo dục, bồi dưỡng nhu cầu nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ cho bộ đội, hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng – nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Thực tiễn 70 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định rằng, trong các hoạt động VHNT của quân đội, hoạt động GDNT cho bộ đội qua các ca khúc về BĐCH, nhất là các ca khúc sáng tác từ năm 1944 đến năm 1975 là hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội. Các ca khúc về BĐCH thuộc dòng CKCM Việt Nam, là sản phẩm văn hóa của một thời đại mới, thời đại mà cả dân tộc ta đã cống hiến, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến nhằm giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước để đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, nó có vai trò rất to lớn trong đời sống tinh thần của bộ đội, đặc biệt khi được sử dụng làm “chất liệu” GDNT cho bộ đội.
Nhận thức rõ vai trò của GDNT cho bộ đội qua ca khúc về BĐCH, những năm qua, hoạt động GDNT cho bộ đội qua ca khúc về BĐCH đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai tích cực, đảm bảo sâu sắc về nội dung, phong phú, đa dạng về hình thức thể hiện và đã đem lại nhiều kết quả rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ cho bộ đội, xây dựng và bồi dưỡng nhân cách người quân nhân cách mạng. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động GDNT cho bộ đội qua ca khúc về BĐCH trong các cơ quan, đơn vị của quân đội vẫn còn những biểu hiện hạn chế, bất cập cả trong nhận thức và trong tổ chức hoạt động thực tiễn. Những hạn chế, bất cập đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhất là chưa được phân tích, lý giải một cách đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo những cơ sở lý luận khoa học của hoạt động GDNT cho bộ đội qua các ca khúc về BĐCH. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, yêu cầu, nhiệm vụ của huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, công tác, lao động sản xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, của mỗi cơ quan, đơn vị trong quân đội nói riêng trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, thì hơn lúc nào hết, hoạt động GDNT cho bộ đội qua ca khúc về BĐCH càng trở nên quan trọng và cấp thiết nhằm góp phần phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng, giữ vững và phát huy phẩm chất BĐCH trong thời kỳ mới.
Trong thời gian qua, có nhiều công trình nghiên cứu từ các góc độ tiếp cận khác nhau đã đi sâu luận giải về GDNT, GDNT cho công chúng nói chung, đã đưa ra được những kết quả nghiên cứu về lý luận và thực tiễn có giá trị về mặt khoa học. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng những công trình chuyên sâu nghiên cứu về GDNT cho bộ đội qua ca khúc về BĐCH, nhất là các ca khúc sáng tác từ năm 1944 đến năm 1975. Chính vì vậy, NCS lựa chọn vấn đề “Giáo dục nghệ thuật cho bộ đội hiện nay qua ca khúc về Bộ đội Cụ Hồ (sáng tác từ năm 1944 đến năm 1975)” làm đề tài luận án của mình