LA17.058_Giáo dục hướng nghiệp cho HS THPT KV Hà Nội qua tham vấn nghề
Nghề nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống của mỗi con người.Có nghề nghiệp con người mới có cuộc sống ổn định, mới làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Câu hỏi chọn nghề gì luôn là vấn đề trăn trở đối với các em khi bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời, đặc biệt là đối với HS THPT. Vì vậy, GDHN hiện nay có vai trò rất lớn giúp cho HS nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần vào việc phân luồng và sử dụng hợp lí nguồn lao động thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững. GDHN cho HS là một trong những vấn đề quan trọng được Đảng ta và Nhà nước ta quan tâm. Ngày 19 tháng 3 năm 1981, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định 126/CP về công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông và việc sử dụng HS các cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học tốt nghiệp ra trường. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nêu rõ:
“Coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng HS trung học, chuẩn bị cho thanh niên, thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong cả nước và từng địa
phương” [59].
Thực tế những năm gần đây, nhiều sinh viên khi ra trường không có việc làm hoặc phải đào tạo lại, tình trạng ngồi nhầm ĐH xảy ra nhiều năm với nhiều sinh viên. Những cử nhân, kĩ sư thất nghiệp quay lại học trung cấp với quyết tâm làm lại cuộc đời ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối. Theo điều tra của Bộ GD&ĐT năm 2006 cho thấy, cả nước có tới 63% số sinh viên ra trường không có việc làm, 37% số còn lại có việc làm thì hầu hết phải đào tạo lại và nhiều người không làm đúng nghề mình đã học [41]. Theo công bố của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quý IV/2013, cả nước có thêm 72.000 lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do sự chọn nghề của HS chưa phù hợp. Công tác GDHN thời gian qua trong nhà trường THPT chưa tốt. Việc GDHN cho HS chưa đồng bộ và hệ thống. Đội ngũ GV đảm nhiệm công việc này không được đào tạo bài bản, chính quy mà là GV môn khác chuyển sang hoặc kiêm nhiệm. Phân bố thời gian, số tiết học cho môn Hoạt động GDHN còn ít. Nội dung GDHN trong
nhà trường hiện nay còn hạn chế: phiến diện, chưa nói rõ được bản chất của các nghề, chưa xác lập được những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của cá nhân phù hợp với nghề đó. Về hình thức, còn nghèo nàn mang tính chất xơ cứng, đại trà, hình thức mà chưa phân hóa theo các đối tượng HS. Trong quá trình hướng nghiệp chỉ hướng tới cung cấp thông tin, đưa ra những lời khuyên mang tính chủ quan đôi khi áp đặt của nhà giáo dục, của GV. HS không có cơ hội đi tham quan các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Như vậy chưa đủ cơ sở để giúp HS có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Sự hiểu biết về nghề nghiệp cũng như những yêu cầu của nghề nghiệp mà các em lựa chọn và sự đáp ứng những yêu cầu của bản thân đối với nghề nghiệp còn hạn chế. Điều này dẫn đến các em có những sai lệch về sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đa số HS không thể hình dung ra nghề nghiệp sau này của mình như thế nào, vì thế, việc lựa chọn trường và nghề nghiệp của các em theo cảm tính, HS chạy theo ngành “hot”, ngành dễ học chứ không chọn theo năng lực và nhu cầu của xã hội. Tình trạng này một mặt sẽ gây khó khăn cho các trường ĐH có nhiều HS lựa chọn không có đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu của người học;
Mặt khác những nghề xã hội đang cần lại thiếu sinh viên theo học. Số liệu trên cho thấy tình trạng mất cân đối trong việc HS lựa chọn các ngành nghề, gây ra sự lãng phí, cả về tiền của, công sức và thời gian của bản thân cũng như cho quá trình đào tạo, lãng phí nguồn nhân lực và phân bố nguồn nhân lực không hợp lí, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động, cản trở sự phát triển về kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến tiềm lực quốc gia, sức mạnh dân tộc. Trong quá trình chọn nghề, HS gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận thức và đánh giá được bản thân, trong việc tìm thông tin về ngành nghề, trường thi, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong sự lựa chọn nghề. Những khó khăn này không được giải quyết kịp thời sẽ gây nên sự lo lắng cho các em và dẫn đến việc các em đưa ra những quyết định không đúng đắn trong chọn nghề. Ở nhà trường THPT có nhiều con đường GDHN cho HS như: Thông qua hoạt động dạy các môn khoa học cơ bản,môn công nghệ; thông qua hoạt động ngoại khóa; thông qua Hoạt động GDHN chính khóa; thông qua sinh hoạt hướng nghiệp. Các con đường trên, đều có những ưu thế riêng tuy nhiên đều hướng tới việc cung cấp kiến thức cho HS mà chưa chú trọng đến việc giải quyết những khó khăn, giải tỏa những vướng mắc của HS trong quá trình chọn nghề. Hiện nay, tham vấn nghề là con đường GDHN hiện đại và thể hiện được ưu thế trong việc giải tỏa những khó khăn, vướng mắc của HS trong quá trình chọn nghề, khắc phục được những hạn chế của các con đường GDHN nêu trên, đồng thời trong quá trình trợ giúp HS giải quyết những khó khăn tham vấn nghề thực hiện được mục tiêu của GDHN đã đề ra là giúp cho HS chọn được nghề phù hợp với khả năng, sở thích, tính cách của bản thân và nhu cầu của xã hội.
Trên thế giới, tham vấn nghề đã xuất hiện từ thế kỉ thứ 19 nhưng ở Việt Nam tham vấn nói chung và tham vấn nghề còn rất mới mẻ. Ở các trường THPT tham vấn nghề dường như chưa được tiến hành, nếu có chỉ là sự thực hiện mang tính cá lẻ, chưa đồng bộ, thiếu hệ thống. Đặc biệt hiện nay chưa có những cơ sở lí luận cụ thể để chỉ dẫn hoạt động này. Bản chất của tham vấn nghề là trợ giúp HS giải tỏa được khó khăn gặp phải trong quá trình chọn nghề đồng thời phát huy tiềm năng của bản thân HS, nâng cao năng lực tự giải quyết vấn đề của bản thân để chọn được nghề phù hợp nhất. Tham vấn nghề không chú ý đến việc đưa ra lời khuyên trong việc lựa chọn trường thi, nghề nghiệp sau này mà chủ yếu hướng đến việc giúp HS phát triển được năng lực trong quá trình chọn nghề đó là năng lực nhận thức và đánh giá bản thân, năng lực ra quyết định chọn nghề, chọn trường đào tạo phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu phát triển nghề nghiệp của bản thân cũng như phù hợp với nhu cầu xã hội và hoàn cảnh của gia đình.
Như vậy, xuất hiện mâu thuẫn: giữa một bên là vai trò quan trọng của công tác GDHN trong nhà trường để giúp HS lựa chọn được nghề phù hợp và một bên là sự yếu kém, hạn chế của công tác GDHN, trong đó việc vận dụng nghèo nàn, kém hiệu quả của các hình thức GDHN, đặc biệt là việc sử dụng những hình thức hiện đại phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi HS THPT còn hạn chế và vì lí do đó đề tài này nghiên cứu để giải quyết mâu thuẫn trên. Do vậy chúng tôi đã lựa chọn: “Giáo dục hướng nghiệp cho HS THPT KV Hà Nội qua tham vấn nghề” để nghiên cứu.