LA02.207_Giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Câu hỏi nghiên cứu chính của đề tài luận án là mối quan hệ và tác động của các giải pháp tài chính đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện nay như thế nào? Để trả lời câu hỏi đó, đề tài đã đặt ra các mục đích nghiên cứu cụ thể như sau:
– Hệ thống hóa và phân tích làm sáng tỏ cơ sở lý luận về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vai trò và tác động của tài chính đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
– Phân tích, tác động của các giải pháp tài chính: chi NSNN, TDNN, TDNH đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đồng thời đánh giá thực trạng chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa ở các khía cạnh: tỷ trọng GDP ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động ngành nông nghiệp, cơ cấu công nghệ – kỹ thuật. Từ đó phân tích những tác động tích cực, hạn chế và nguyên nhân trong việc sử dụng các giải pháp tài chính đối với chuyển dịch CCKT nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa.
– Tổng kết kinh nghiệm của một số quốc gia và một số địa phương trong cả nước về sử dụng các giải pháp tài chính thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm có thể áp dụng vào quá trình thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa.
– Đề xuất quan điểm và các giải pháp cụ thể về chi NSNN, TDNN, TDNH nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn về các giải pháp tài chính thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp.
Phạm vi nghiên cứu của luận án:
Về nội dung: Luận án nghiên cứu vấn đề chuyển dịch CCKT nông nghiệp theo ngành dưới tác động của các giải pháp tài chính chủ yếu là chi NSNN, TDNN và TDNH; nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp tài chính này nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp.
Về không gian và thời gian: Luận án nghiên cứu thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính cho quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa và kinh nghiệm của một số địa phương khác ở Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2013. Các đề xuất về quan điểm và các giải pháp tài chính cụ thể góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa được nghiên cứu áp dụng cho giai đoạn 2015 – 2020 và những năm tiếp theo.
Phương pháp nghiên cứu luận án
Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu lấy phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử làm phương pháp luận cơ bản đồng thời kết hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể như thống kê, điều tra, khảo sát thực tế, phương pháp qui nạp, diễn dịch, tham khảo ý kiến các chuyên gia công tác trong các lĩnh vực có liên quan đến đề tài của luận án để làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu.
Phương pháp thống kê: được sử dụng để xử lý các số liệu thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau: Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa, Tổng cục thống kê Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, NHNN Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa và một số các ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, số liệu còn được thu thập trên các phương tiện thông tin đại chúng như các tạp chí khoa học, sách chuyên khảo, internet… Các nguồn số liệu này được dùng để hệ thống hóa cơ sở lý luận về tài chính đối với chuyển dịch CCKT nông nghiệp và dùng để phân tích đánh giá thực trạng chuyển dịch CCKT nông nghiệp, thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Tác giả cũng đã thực hiện việc khảo sát, điều tra thực tế các hộ nông dân và một số doanh nghiệp tại một số xã trên địa bàn các huyện Quảng Xương (ven biển), Nông Cống (huyện đồng bằng thuần nông), Yên Định (huyện trung du miền núi) để có cái nhìn khách quan về tình hình sử dụng các giải pháp tài chính tại địa phương. Đồng thời NCS lấy ý kiến đánh giá của các cán bộ công tác tại Sở NN$PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư về tác động của các giải pháp tài chính tới chuyển dịch CCKT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thông qua các bảng hỏi. Các số liệu điều tra được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS để đánh giá tác động và đưa ra mối tương quan của các giải pháp tài chính đến chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Những phân tích định lượng đã giúp cho việc đánh giá và đưa ra kết luận có căn cứ khoa học và tin cậy hơn về thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính chi NSNN, TDNN, TDNH đối với chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Phương pháp qui nạp, diễn dịch: dựa trên những số liệu thực tế thu thập được, tác giả tiến hành phân tích thực trạng chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo một số chỉ tiêu cơ bản, đồng thời phân tích tác động của các giải pháp tài chính tới chuyển dịch CCKT nông nghiệp để rút ra nhận xét về kết quả thực hiện, những hạn chế, nguyên nhân còn tồn tại. Trên cơ sở những kết luận được rút ra từ phương pháp qui nạp, tác giả đề xuất các giải pháp tài chính phù hợp nhằm thúc đẩy chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Các giải pháp chính đưa ra lại được sử dụng phương pháp diễn dịch để phân tích, diễn giải.
Những đóng góp của luận án
Về lý thuyết: Luận án đã phân tích, hệ thống hóa cơ sở lý luận về CCKT, chuyển dịch CCKT nông nghiệp; luận giải vai trò của tài chính đối với chuyển dịch CCKT nông nghiệp và tác động của các giải pháp tài chính: chi NSNN, tín dụng đến quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp; đúc rút những bài học kinh nghiệm của một số quốc gia và địa phương trong nước về việc sử dụng các giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch CCKT nông nghiệp.
Về thực tiễn:
Luận án phân tích thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính: Chi NSNN, TDNN, TDNH đối với việc thực hiện chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa; đánh giá tác động của các giải pháp tài chính này trên cả hai mặt kết quả thực hiện và hạn chế cần khắc phục đồng thời chỉ ra các nguyên nhân của những hạn chế. Từ đó, luận án đề xuất các quan điểm hoàn thiện các giải pháp tài chính cũng như các giải pháp cụ thể mang tính khả thi để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Luận án có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao trong điều kiện Đảng và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi CCKT nước nhà đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Quan điểm sử dụng giái pháp tài chính và hệ thống giải pháp tài chính được đề xuất trong luận án sẽ góp phần rút ngắn quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận án được kết cấu gồm 3 chương:
Chương 1: Tài chính với chuyển dịch CCKT nông nghiệp;
Chương 2: Thực trạng sử dụng các giải pháp tài chính cho chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa;
Chương 3: Các giải pháp tài chính thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCKT nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.