LA02.148_Giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao ở Việt Nam
1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu một cách có hệ thống lý luận về đào tạo nghề, đào tạo nghề chất lượng cao và giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao; Tổng kết kinh nghiệm của một số nước về đầu tư tài chính cho đào tạo nghề; rút ra được một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam; Phân tích, đánh giá thực trạng về đào tạo nghề, chất lượng đào tạo nghề, giải pháp tài chính áp dụng cho đào tạo nghề chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2007-1014. Chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế. Qua đó, tác giả đề xuất hoàn thiện một số giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao để góp phần thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu của luận án: Các giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao: cơ sở lý thuyết và thực trạng ở Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu của luận án:
– Về nội dung: Giải pháp tài chính bao gồm khâu huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề ở các trình độ đào tạo, tuy nhiên ở Luận án này, tác giả tập trung vào giải pháp đầu tư nguồn lực tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao ở trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề với sản phẩm đầu ra là người lao động có kỹ năng nghề cao, có khả năng hoàn thành một phần hay toàn bộ một công việc phức tạp mà lao động giản đơn không làm được. Từ ngày 01/7/2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực nên thuật ngữ đào tạo nghề không còn phù hợp, song theo Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp thì Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục – Đào tạo cùng đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Do đó, luận án này tập trung nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được Chính phủ giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước (đào tạo nghề).
– Về không gian và thời gian: luận án nghiên cứu thực trạng các giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng giai đoạn 2007 – 2014, các giải pháp và điều kiện thực hiện hoàn thiện các giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy phát triển đào tạo nghề chất lượng cao được nghiên cứu áp dụng đến năm 2020 ở Việt Nam
3. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau: phương pháp phân tích và tổng hợp kết hợp tư duy logic, so sánh, phương pháp nghiên cứu thực chứng.
Phương pháp phân tích và tổng hợp: được sử dụng để nghiên cứu các tài liệu liên quan đến nội dung của luận án, từ đó phân chia các nội dung thành các yếu tố cấu thành, để đưa ra xu hướng, bản chất trong nghiên cứu đồng thời hệ thống hóa các nội dung liên quan nghiên cứu và rút ra suy luận logic gắn với đối tượng và mục tiêu nghiên cứu.
Phương pháp so sánh: là phương pháp nghiên cứu để so sánh giữa các vấn đề nghiên cứu, đưa ra những nội dung khác biệt, ưu điểm, hạn chế từ đó đúc rút hỗ trợ cho việc tiến tới mục tiêu và đối tượng nghiên cứu
Phương pháp tư duy logic: để suy luận, kết nối các đánh giá, hệ thống các nội dung nghiên cứu để đưa ra những suy luận phản ánh nội dung và đặc điểm của vấn đề, củng cố cho nội dung nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu thực chứng: dùng những minh chứng, tình hình thực tiễn để thuyết minh cho những lý luận nghiên cứu đảm bảo tính logic, hệ thống trong toàn bộ công trình nghiên cứu.
4. Các đóng góp của đề tài
Luận án đã hệ thống hóa, phân tích và phát triển thêm nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về đào tạo nghề, đào tạo nghề chất lượng cao và các giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao.
Phân tích đánh giá kinh nghiệm quốc tế về giải pháp tài chính cho đào tạo nghề và bài học có thể vận dụng cho Việt Nam.
Luận án phân tích đánh giá thực trạng làm sáng tỏ những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân của giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2007-2014. Bám sát bối cảnh, định hướng, mục tiêu phát triển đào tạo nghề và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, vốn đầu tư cho đào tạo nghề chất lượng cao; đề xuất các giải pháp và các điều kiện thực hiện các giải pháp tài chính có cơ sở lý luận và thực tiễn, có tính khả thi nhằm thúc đẩy phát triển đào tạo nghề chất lượng cao đến năm 2020 ở Việt Nam.
5. Kết cấu chung của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được chia làm 3 chương:
Chương 1: Lý luận cơ bản về giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao.
Chương 2: Thực trạng giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao ở Việt Nam.
Chương 3: Hoàn thiện giải pháp tài chính cho đào tạo nghề chất lượng cao ở Việt Nam.