LA17.0556_Giải pháp quản lý đội ngũ giảng viên các trường đại học CAND
Công an nhân dân (CAND) được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng CAND đã được xây dựng và không ngừng lớn mạnh, đảm đương tốt trọng trách được giao. Để có đội ngũ cán bộ Công an lớn mạnh như hiện nay,công tác giáo dục đào tạo lực lượng CAND có vai trò, vị trí và ý nghĩa rất quan trọng.
Nghị quyết 04 của Đảng Ủy Công an Trung ương về phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của lực lượng CAND trong thời kỳ Công nghiệp hóa -hiện đại hóa đã xác định: “Tập trung phát triển nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo để đầu tư phát triển người Công an cách mạng có đủ phẩm chất, trí tuệ, năng lực thích ứng với thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa… Phải gắn đào tạo với sử dụng; gắn yêu cầu giáo dục – đào tạo với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ…” [8].
Thực hiện nghị quyết 04 của Đảng Ủy Công an Trung ương, trong lực lượng CAND đã có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án công tác nhằm đổi mới công tác quản lí và nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ giảng viên (GV). Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước thì vấn đề bức xúc đặt ra cho công tác giáo dục đào tạo của ngành Công an là phải tập trung giải quyết nguồn nhân lực (NNL), đảm bảo cán bộ thay thế số hao hụt tự nhiên hàng năm và bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ ngày càng cao để đáp ứng với tình hình mới. Trong khi đó, đội ngũ GV là lực lượng chủ công trong lĩnh vực này còn những tồn tại, hạn chế: số lượng GV trong các học viện, trường Đại học CAND hiện nay còn thiếu rất nhiều; mất cân đối về độ tuổi, ngành nghề; trình độ, chất lượng còn thấp so với mặt bằng chung của các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; về kiến thức thực tế và kỹ năng hoạt động thực tiễn nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong tổng biên chế của các trường đại học CAND, tỷ lệ GV chiếm 47% về số lượng và nguồn tuyển dụng cơ bản lấy từ học viên các trường CAND. Về góc độ sư phạm, đội ngũ này chưa được chuyên môn hóa và dẫn đến công tác quản lý đội ngũ giảng viên (QLĐNGV) gặp rất nhiều khó khăn. Những tồn tại này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo.
Hệ thống các trường đại học CAND gồm 8 cơ sở đào tạo: Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện An ninh nhân dân, trường Đại học Cảnh sát nhân dân, trường Đại học An ninh nhân dân, trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy, trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần, Học viện Tình báo, Học viện chính trị CAND. Hệ thống các trường này hiện đang đào tạo với quy mô từ 3.500 đến 4.000 sinh viên, bao gồm các trình độ đào tạo: Sau đại học, cử nhân các chuyên ngành cảnh sát điều tra tội phạm, cảnh sát kinh tế, cảnh sát về trật tự xã hội, cảnh sát ma túy, cảnh sát quản lý hành
chính, cảnh sát giao thông, cảnh sát vũ trang, cảnh sát môi trường, cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, cảnh sát quản lý và cải tạo phạm nhân, kỹ thuật hình sự, an ninh điều tra.
Để thực hiện đổi mới cơ bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần bảo đảm tốt công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ CAND trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vấn đề cấp thiết đầu tiên là phải xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (ĐNGV) các trường CAND. Đội ngũ này cần đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và hợp lý về cơ cấu, đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu của các chương trình, đề án của Nhà nước về giáo dục đào tạo, sẽ là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ CAND.
Với ý nghĩa nêu trên, vấn đề QLĐNGV các trường đại học CAND được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu đối với các cấp quản lý, đặc biệt là với các chủ thể quản lý của các trường đại học CAND. Tuy nhiên, lựa chọn mô hình, lý thuyết quản lý nào là phù hợp với xu thế đổi mới quản lý giáo dục hiện nay và phù hợp với thực tiễn quản lý GV ở các trường Đại học CAND hiện nay là câu hỏi đầu tiên cần phải giải đáp.
QLĐNGV trong trường đại học hiện nay ở nước ta, đặc biệt là ở các trường đại học CAND vẫn chịu ảnh hưởng của quản lý hành chính nhân sự, hệ quả của thời gian dài quản lý theo chế độ tập trung bao cấp của đất nước. Cần tìm hiểu những tiếp cận mới, tiếp cận QLNNL. Vì vậy, bối cảnh đổi mới quản lý giáo dục (QLGD) đặt ra các yêu cầu phải đổi mới QLĐNGV để đáp ứng phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của giai đoạn đổi mới và hội nhập. Việc nghiên cứu QLĐNGV là một yêu cầu tất yếu và khách quan của các trường đại học Việt Nam, trong đó có các trường Đại học CAND.
Để góp phần nâng cao chất lượng QLĐNGV trong các trường Đại học CAND, đồng thời giải quyết đòi hỏi của thực tiễn công tác xây dựng lực lượng Công an và công tác chiến đấu của Công an, chúng tôi đã lựa chọn đề tài: “Giải pháp quản lý đội ngũ giảng viên các trường đại học CAND” làm đề tài luận án.