Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm tạo điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Con người trước hết cần phải ăn, uống, chổ ở và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và…4 để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì trước hết cũng phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất, tinh thần cần thiết. Do vậy, sự tăng trưởng kinh tế là một trong những vấn đề cơ bản để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khi nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Kế hoạch phát triển kinh tế 2011 – 2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 – 8% năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3000 USD5 sẽ là điều kiện để từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế chỉ là điều kiện, vì thế cần có những chính sách hợp lý hơn nhằm đáp ứng nhu cầu trên, theo hướng thực thi một cơ chế phân phối thu nhập mới cho nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với những hoạt động đặc thù của lực lượng này; gắn thu nhập với kết quả nghiên cứu và hiệu quả kinh tế – xã hội mà lực lượng này mang lại.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách.
Hệ thống cơ chế, chính sách có vai trò cực kỳ quan trọng, có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, là động lực thúc đẩy hoặc lực cản kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế – xã hội nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, tác động tích cực đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chính sách đó đã bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập, hiệu quả mang lại chưa cao. Vì vậy, để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có hiệu quả, cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để cơ chế, chính sách thực sự tạo ra động lực cho sự phát triển thì cơ chế, chính sách đó phải xuất phát từ điều kiện thực tiễn, và không ngừng hoàn thiện, đổi mới khi điều kiện thực tiễn thay đổi. Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng vậy, để phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao thì đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nếu không, không những không tạo ra động lực, mà cơ chế, chính sách còn là lực cản lớn cho sự phát triển. Việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực cho sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phải thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện, từ cơ chế, chính sách về giáo dục – đào tạo; cơ chế, chính sách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đến cơ chế, chính sách thể dục, thể thao… làm cho con người phát triển toàn diện “phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức”6.
Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục và đào tạo.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì giáo dục – đào tạo là nhân tố quan trọng nhất. Theo nhà khoa học Jacques Hallak (chuyên gia cao cấp về giáo dục tại Viện Kế hoạch hoá quốc tế, Liên Hiệp Quốc) đã nêu lên 5 nguồn phát năng cho sự phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đó là: giáo dục; sức khoẻ và dinh dưỡng; môi trường, việc làm; tự do chính trị và kinh tế. Theo Hallak những nguồn lực này gắn bó với nhau, hổ trợ và bổ sung cho nhau nhưng giáo dục là nhân tố quan trọng nhất. Cũng như nhà kinh tế học Joseph Stiglitz (nhà kinh tế học người Mỹ, là giáo sư của Đại học Columbia, từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001) khi bàn về phát triển trong thiên niên kỷ mới có quan điểm gần giống với Jacques Hallak. Ông cho rằng: giáo dục đóng vai trò quan trọng không chỉ nó làm tăng vốn con người, mà còn vì giáo dục làm cho con người có khả năng chấp nhận và thích ứng với các thay đổi. Giáo dục tạo điều kiện cho các cá nhân có các phương pháp khoa học, các hình thức tư duy mới khác biệt sâu sắc hơn các tư duy cũ. Giáo dục là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần để con người được giao lưu, được khẳng định, được thăng tiến. Giáo dục còn là nhân tố cơ bản để hình thành, phát triển ở mỗi con người nhân cách, sức lao động, tạo ra cho con người phát triển hài hoà cả thể lực – trí lực – tâm lực. Sự phát triển mạnh mẽ giáo dục tạo ra một đời sống xã hội dân chủ, đó là môi trường để mở rộng cơ hội lựa chọn cho con người, và là nhân tố tạo ra vốn con người.
Kinh nghiệm một số nước tiến hành CNH, HĐH đi trước chúng ta cho thấy sự thành công của họ một phần lớn là họ chú trọng vào giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thì Việt Nam cần chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quán lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp7. Tiến hành đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, trong đó, đặc biệt chú ý phát triển hệ thống giáo dục – đào tạo bậc đại học, phấn đấu đến năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới theo như quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020 của chính phủ đề ra.