LA02.120_Giải pháp phát triển bền vững Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
1. Những đóng góp mới của luận án
Luận án đã đạt được những kết quả và đóng góp mới như sau:
Thứ nhất: Luận án đã tổng hợp và hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về tập đoàn kinh tế và phát triển bền vững. Luận án xây dựng hệ thống cơ sở lý luận đầy đủ về phát triển bền vững tập đoàn kinh tế, bao gồm: khái niệm, nội dung PTBV TĐKT; hệ thống chỉ tiêu đánh giá sự PTBV của TĐKT theo ba nội dung cơ bản là PTBV về kinh tế (PTBV SXKD), PTBV xã hội và PTBV môi trường; đồng thời làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến PTBV TĐKT.
Thứ hai: Luận án đã khảo cứu kinh nghiệm PTBV của một số TĐKT trên thếgiới (4 TĐKT ở Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Malaysia), từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm tham khảo cho quá trình PTBV của các TĐKT ở Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Thứ ba: Luận án đã làm rõ thực trạng các hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu và thực trạng PTBV của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2008 – 2015, với các nội dung cụ thể: PTBV SXKD, PTBV xã hội, PTBV môi trường. Đồng thời luận án cũng đánh giá thực trạng, chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế trong quá trình PTBV của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, đi sâu vào các nguyên nhân thuộc về quản trị tài chính. Kết quả này là căn cứ thực tiễn để tác giả đề xuất các giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp tài chính PTBV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Thứ tư: Trên cơ sở định hướng PTBV của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giai đoạn đến 2030 và những thuận lợi, khó khăn của tập đoàn trong thời gian tới, luận án đã đề xuất hệ thống các giải pháp để Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thực hiện chiến lược PTBV, trong đó có 8 giải pháp tài chính và 6 giải pháp phi tài chính. Đồng thời luận án cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước về các chính sách đối với hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản của Tập đoàn TKV, trong đó tập trung vào các khuyến nghị về chính sách thuế, phí, lệ phí và chính sách vốn.
2. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Về mặt khoa học:
Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án có giá trị đóng góp, bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm cơ sở lý luận về PTBV; vận dụng, cụ thể hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về PTBV nói chung và PTBV TĐKT nói riêng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và Tập đoàn TKV.
Về thực tiễn:
– Luận án có giá trị tham khảo cho Tập đoàn TKV, các TĐKT, TCT trong nước có điều kiện tương tự, nhất là các TĐKT, TCT, doanh nghiệp trong ngành khai khoáng cũng như các cơ quan Nhà nước có liên quan đến hoạch định chiến lược, chính sách PTBV.
– Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo hữu ích cho nghiên cứu, học tập, giảng dạy trong các chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực PTBV và PTBV TĐKT.
3. Kết cấu của luận án:
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình nghiên cứu của tác giả, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, nội dung của luận án có kết cấu gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển bền vững Tập đoàn kinh tế.
Chương 2: Thực trạng phát triển bền vững Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Chương 3: Giải pháp phát triển bền vững Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.