LA03.059_Giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử ở Việt Nam
Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là làm rõ cơ sở khoa học, lý luận về hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử ở Việt Nam từ đó luận án đề xuất một số giải pháp và nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử. Song song với việc nghiên cứu làm rõ các giá trị nội hàm về quản lý nhà nước, hiệu lực quản lý nhà nước, về an toàn trong thương mại điện tử, luận án cũng dự báo về sự phát triển thương mại điện tử và vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này ở Việt Nam, với mục tiêu: “Quản lý phải theo kịp với sự phát triển”.
Nhiệm vụ cụ thể của Nghiên cứu sinh đặt ra trong luận án là:
– Nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học về các nội dung quản lý nhà nước và an
toàn trong thương mại điện tử. Đánh giá thực trạng về hiệu lực công tác quản lý nhà nước để đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử ở Việt Nam.
– Tiếp cận vấn đề nghiên cứu luận án dưới góc độ doanh nghiệp đánh giá về vấn đề quản lý nhà nước và những kiến nghị từ phía doanh nghiệp đối với cơ quan xây dựng chính sách, thực thi pháp luật để nhằm nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước đảm bảo an toàn cho thương mại điện tử.
– Nghiên cứu, đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước nhằm tăng cường độ an toàn trong thương mại điện tử để tạo môi trường, điều kiện phát triển cho thương mại điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là hiệu lực của công tác quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu rủi ro trong thương mại điện tử ở Việt Nam. Vì thương mại là hoạt động mang tính toàn cầu, chịu sự điều khiển, chi phối của hệ thống luật pháp nhiều quốc gia liên quan nên đối tượng nghiên cứu còn là các quy định, luật pháp quốc tế liên quan đến thương mại điện tử.
Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu về tính hiệu lực của công tác quản lý nhà nước nhằm mục đích đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử. Nghiên cứu nhìn dưới góc độ doanh nghiệp và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Luận án nghiên cứu hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử kể từ năm 2000 cho đến nay. Khi đề xuất các giải pháp, luận án lấy mốc từ năm 2005- Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005 đồng thời cũng là năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 theo Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg, ngày 27/12/2005 căn cứ theo Chỉ thị số 58/CT-TW, ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận án, nghiên cứu sinh ứng dụng đồng thời và hài hòa những
phương pháp nghiên cứu chủ đạo trong kinh tế chính trị như: Phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác- Lê Nin.
Trong đó, chú trọng sử dụng các phương pháp để thu thập số liệu như: Phương pháp điều tra, khảo sát đánh giá thực tiễn, nghiên cứu định tính; Phương pháp thống kê, so sánh, diễn giải, quy nạp, phân tích và phỏng vấn sâu chuyên gia.
Do lượng thông tin dàn trải, vấn đề nghiên cứu mới, khá phức tạp, đa phần tính pháp lý, thương mại cùng kết hợp với công nghệ, hơn nữa các tài liệu nhiều và phân tán, việc thu thập thông tin, tài liệu có khó khăn nên việc phân tích các số liệu chủ yếu dựa trên các phân tích thông tin mang tính chất định tính được thu thập qua nghiên cứu thực địa và phỏng vấn sâu các chuyên gia về vấn đề này.
Những đóng góp mới của luận án
Là một công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về hiệu lực quản lý nhà nước nhằm đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử ở Việt Nam, luận án có những đóng góp sau: Thứ nhất là, hệ thống hóa những vấn đề cơ bản về cơ sở lý luận quản lý nhà nước, hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả của pháp lý tạo sự chuyển biến sâu về an toàn trong giao dịch. Thứ hai là, phân tích và làm rõ nội hàm của phạm trù: “An toàn trong giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam” cùng thực trạng về hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử ở Việt Nam, giai đoạn 2006-2012. Thứ ba là, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử ở Việt Nam.
Bố cục của luận án
Nội dung của luận án được kết cầu gồm 3 chương.
Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý nhà nước và an toàn trong thương mại điện tử.
Chương 2: Thực trạng về hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử.
Chương 3: Giải pháp và khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử.