LA20.121_Giá trị các xét nghiệm amh, fsh và afc dự đoán đáp ứng buồng trứng trong thụ tinh ống nghiệm
Kích thích buồng trứng (KTBT) là một công đoạn quan trọng và được áp dụng thường quy trong quy trình thụ tinh ống nghiệm (TTON). KTBT làm tăng số lượng noãn thu được, là điều kiện cần để chuẩn bị tốt nhất cho các bước tiếp theo như tạo phôi và chọn lựa phôi chuyển vào buồng tử cung nhằm gia tăng cơ hội có thai cho chu kỳ điều trị. Đáp ứng của buồng trứng với KTBT được thể hiện bằng số lượng noãn thu được. Số lượng noãn phù hợp giúp tạo được một số lượng phôi tốt, mang lại cơ hội có thai cao mà tỉ lệ quá kích buồng trứng thấp [169], [174], [189]. Ngoài ra, số lượng phôi thừa còn được trữ lạnh để sử dụng cho các lần chuyển phôi sau, giúp tăng tỉ lệ có thai cộng dồn của một chu kỳ KTBT [33], [189]. Số lượng noãn quá nhiều không làm tăng cơ hội thành công [169] nhưng tăng nguy cơ quá kích buồng trứng [120] và giảm tỉ lệ làm tổ của phôi [102], [175]. Ngược lại, số lượng noãn quá ít có liên quan với tỉ lệ thai lâm sàng thấp [59], tăng tỉ lệ hủy chu kỳ do không đủ noãn để thụ tinh, tăng chi phí vật chất và gánh nặng tinh thần cho bệnh nhân.
Dự đoán đáp ứng BT có ý nghĩa lớn, là cơ sở để tư vấn trước điều trị cho bệnh nhân về các nguy cơ của KTBT và xác suất thành công của thụ tinh ống nghiệm (TTON). Dựa trên kết quả dự đoán đáp ứng buồng trứng, các bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định phù hợp trong việc chọn lựa phương pháp điều trị, phác đồ KTBT và liều thuốc KTBT. Dự đoán đáp ứng buồng trứng thường thông qua các
đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân hay các xét nghiệm khảo sát dự trữ buồng trứng. Follicle Stimulating Hormone (FSH) cơ bản là loại xét nghiệm đã được sử dụng từ lâu, gần đây, Anti-Mullerian Hormone (AMH), Antral Follicle Count (AFC) cũng được phát triển và đưa vào áp dụng lâm sàng. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm khảo sát giá trị của AMH, FSH và AFC để dự đoán các đáp ứng buồng trứng bất thường, tuy nhiên, đa số các nghiên cứu có cỡ mẫu nhỏ, tiêu chuẩn chẩn đoán đáp ứng buồng trứng bất thường khác nhau, các loại xét nghiệm và phương pháp đo lường khác nhau. Có 2 phân tích gộp được thực hiện nhằm so sánh giá trị của AMH, FSH và AFC để dự đoán đáp ứng buồng trứng kém [40] và của AMH với AFC để dự đoán đáp ứng buồng trứng nhiều [39] nhưng các nghiên cứu được chọn vào phân tích không đồng chất nên vẫn chưa thể đưa ra giá trị ngưỡng thống nhất của các xét nghiệm để sử dụng trong lâm sàng. Ngoài ra, giá trị các xét nghiệm được ghi nhận là khác nhau giữa các chủng tộc, bị tác động bởi các đặc điểm lâm sàng và lối sống của bệnh nhân, do đó, cần thực hiện nghiên cứu trong nhiều nhóm dân số khác nhau để tìm giá trị ngưỡng đặc hiệu cho dân số trước khi ứng dụng vào lâm sàng [59], [93], [142].
Tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (TTON) ngày càng phổ biến với số chu kỳ điều trị tăng qua từng năm. KTBT được áp dụng thường quy cho hầu như tất cả các chu kỳ điều trị. Trước đây, chỉ có FSH cơ bản là xét nghiệm được dùng để khảo sát dự trữ và đáp ứng buồng trứng, sau đó có thêm AFC và chỉ mới khoảng 3 năm gần đây, AMH được sử dụng rất phổ biến ở các trung tâm TTON. Một số vấn đề được ghi nhận từ việc sử dụng các xét nghiệm trên trong dự đoán đáp ứng buồng trứng là: (i) chưa có giá trị tham khảo của người Việt Nam, (ii) chưa biết xét nghiệm nào (trong điều kiện thực hiện tại Việt Nam) có giá trị tốt hơn để dựa vào đó mà ra quyết định lâm sàng, nhất là trong trường hợp kết quả các xét nghiệm không thống nhất, và (iii) hiện nay, có nhiều trung tâm đang thực hiện cả 3 loại xét nghiệm cho mỗi bệnh nhân, nếu có một hay các xét nghiệm nào được chứng minh có giá trị tốt hơn, có thể giảm số xét nghiệm cần thực hiện, tiết kiệm chi phí và thời gian cho bệnh nhân. Nghiên cứu về dự đoán đáp ứng buồng trứng ở bệnh nhân người Việt Nam chưa nhiều. Nguyễn Xuân Hợi và cộng sự (2009) ghi nhận FSH cơ bản và nồng độ estradiol là 2 yếu tố tiên lượng độc lập của đáp ứng buồng trứng kém [5]. Các nghiên cứu khác ghi nhận AMH có tương quan tốt với số lượng noãn thu được ở bệnh nhân TTON [3], [8] và AMH có giá trị dự báo nguy cơ quá kích buồng trứng [7]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu có cỡ mẫu nhỏ, điều kiện bảo quản mẫu xét nghiệm chưa đảm bảo và tiêu chuẩn chẩn đoán đáp ứng buồng trứng kém hoặc nhiều cũng khác nhau. Chưa có nghiên cứu so sánh giá trị của các xét nghiệm AMH, FSH và AFC để dự đoán đáp ứng buồng trứng.
Chúng tôi thực hiện đề tài nhằm trả lời câu hỏi nghiên cứu như sau:
1. Trong số các xét nghiệm AMH, FSH và AFC, xét nghiệm nào có giá trị tốt nhất để dự đoán đáp ứng buồng trứng kém hoặc nhiều?
2. Giá trị ngưỡng nào của các xét nghiệm AMH, FSH và AFC để dự đoán đáp ứng buồng trứng kém hoặc nhiều?
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. So sánh giá trị của các xét nghiệm AMH, FSH và AFC để dự đoán đáp ứng buồng trứng kém hoặc nhiều trong thụ tinh ống nghiệm.
2. Xác định giá trị ngưỡng của các xét nghiệm AMH, FSH và AFC để dự đoán đáp ứng buồng trứng kém hoặc nhiều ở bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm.
3. Xây dựng mô hình dự đoán đáp ứng buồng trứng kém hoặc nhiều ở bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm