LA35.005_Đời sống văn hóa của cư dân óc eo ở Tây Nam Bộ
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA LUẬN ÁN
1.1. Văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ, được giới khoa học biết đến từ cuối thế kỷ XIX. Tên gọi của nền văn hóa này do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đặt ra sau cuộc khai quật vào tháng 4 năm 1944 ở cánh đồng Óc Eo (Thoại Sơn – An Giang). Cho đến nay, hàng loạt di tích ở khắp các tỉnh TNB khác được khai quật. Các di tích khai quật đã làm lộ diện về sự tồn tại của một nền văn hóa khảo cổ, đều có chung đặc điểm, tính chất văn hóa với khu di tích Óc Eo (An Giang). Văn hóa Óc Eo tồn tại trong một không gian rộng và một thời gian dài, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau; nó được nhìn nhận là chứng cứ vật chất của một “vương quốc” lớn có địa vực bao trùm cả một vùng Nam Đông Dương mà thư tịch cổ Trung Quốc gọi là “Phù Nam”. Bên cạnh đó, khu di tích Óc Eo luôn được coi như một điểm giao hội của văn hóa Đông – Tây, là “kho” hàng hoá lớn trên con đường thương mại quốc tế, giữa hai châu lục Âu – Á. Cho đến nay, hàng trăm di tích Óc Eo đã được phát hiện, phân bố trên diện rộng, rộng hơn về không gian, nhiều hơn về số lượng các di tích phát hiện trước năm 1975. Thêm vào đó, số lượng các hiện vật đã được phát hiện, sưu tầm ngày một nhiều, hiện đang lưu giữ trong các bảo tàng trung ương và bảo tàng các tỉnh, tiêu biểu là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM, BTAG, BTKG, BTCT, BTĐT, BTLA…
1.2. Các nguồn tư liệu quan trọng trên giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau về văn hóa Óc Eo. Đến nay, đã có hàng ngàn bài viết, sách chuyên khảo, kỷ yếu hội nghị và các báo cáo khảo sát điều tra liên quan tới nền văn hóa Óc Eo. Đây là kết quả nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước, nội dung bao gồm: thông báo các phát hiện mới; tình trạng của các di tích, các loại hình di vật phát lộ; nghiên cứu các vấn đề về nguồn gốc hình thành, sự phát triển của văn hóa Óc Eo; các quan hệ giao lưu văn hóa và thương mại với bên ngoài… Một số khía cạnh về đời sống văn hóa xã hội của cư dân được đề cập tới qua việc nghiên cứu các tài liệu lịch sử và so sánh với tài liệu khảo cổ học.
Những thành quả này của các nhà khoa học về văn hóa Óc Eo rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu nói trên mới chủ yếu là dưới góc độ các nghiên cứu khảo cổ học. Việc tìm hiểu khối tư liệu khảo cổ học từ hướng tiếp cận văn hóa học còn rất hạn chế. Việc nghiên cứu phạm vi phân bố, nội dung và đặc điểm, niên đại và quá trình phát triển của các di tích, cội nguồn và truyền thống của văn hóa Óc Eo… trong mối liên hệ với cư dân – chủ nhân của nền văn hóa này còn chưa đầy đủ. Những vấn đề lịch sử liên hệ văn hóa Óc Eo với các thể chế chính trị đương thời như nước Phù Nam, đến Chân Lạp… vẫn cần tiếp tục tìm tòi, lý giải, minh định. Trong đó, vấn đề mối quan hệ giữa con người với dấu tích văn hóa mà cư dân Óc Eo để lại; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị DSVH đó trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế đang là những vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhất cần được làm sáng tỏ. Với những lý do trên, tác giả mong muốn sẽ có những khám phá, cách tiếp cận mới về văn hóa Óc Eo ở TNB