LA15.016_Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất cũng như thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ trong thương mại song phương Việt Trung, vần đề nhập siêu ở mức cao và kéo dài với Trung Quốc, đặc biệt kể từ sau khi Trung Quốc gia nhập WTO là một trong những vấn đề kinh tế vĩ mô được quan tâm hàng đầu của chính phủ Việt Nam hiện nay. Nó cho thấy thương mại Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường này khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều hệ lụy.
Số liệu thống kê thương mại cho thấy Việt Nam hiện đang xuất siêu sang các thị trường Âu-Mỹ nhưng lại nhập siêu mạnh từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, trong đó nghiêm trọng nhất là với Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu gần đây như của MUTRAP (2009), Bùi Trinh&Nguyễn Văn Huân (2011), Tô Trung Thành, Nguyễn Trí Dũng (2012), Lương Văn Khôi (2012) đều chỉ ra, nhập siêu của Việt Nam kéo dài bắt nguồn từ vấn đề cơ cấu, các nhân tố khác tác động không đáng kể.
Như vậy, muốn cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, không có cách nào khác là phải tìm cách đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu hiện tại. Ràng buộc từ các FTA mới ký kết cùng tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu buộc Việt Nam phải có sự điều chỉnh căn bản trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu nếu muốn bắt kịp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới. Bản thân ngưởi tiêu dùng Trung Quốc cũng như Việt Nam cũng đang có sự thay đổi lớn trong nhu cầu và quan điểm tiêu dùng. Do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay nên đổi mới được cơ cấu trao đổi hàng hóa với Trung Quốc cũng sẽ tạo ra được sự đổi mới căn bản trong cơ cấu thương mai hàng hóa chung của Việt Nam.
Với những lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài nghiên cứu của mình là “Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu”.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
2.1 Tình hình nghiên cứu về tác động của cơ cấu xuất nhập khẩu đến tăng trưởng
Một số nghiên cứu khẳng định duy trì một cơ cấu xuất nhập khẩu phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững là nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia. Các tác giả tiếp cận theo hướng này tiêu biểu có Kaulin&Freinkman (2009), Hồ Trung Thanh (2009, 2012), Halle (2010), Lê Văn Hùng (2010), Lê Danh Vĩnh, Hồ Trung Thanh (2012), Nguyễn Văn Nam (2012), Trần Công Sách (2012), Vũ Huyền Phương (2014)
2.2 Tình hình nghiên cứu về đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu
Nghiên cứu về cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các thị trường hiện đang xuất siêu sang Trung Quốc cho thấy có một sự nâng cấp rõ rệt về hàm lượng công nghệ trong sản phẩm. Các nước này (như các nước công nghiệp phát triển ở Đông Á) đã tham gia được vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực thiết bị điện và điện tử mà trong mạng lưới đó, Trung Quốc đóng vai trò kép vừa xuất khẩu linh kiện điện tử cho các nước Đông Á vừa nhập khẩu từ nước này máy móc nguyên chiếc để xuất sang thị trường Âu, Mỹ. Các nước như Malaysia, Thái Lan, Philippines…đều có sự nâng cấp cơ bản trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc từ khoảng sau những năm 80 khi trao đổi thương mại liên ngành được chuyển sang trao đổi thương mại nội ngành. Đến những năm 90, hàng công nghiệp đã trở thành hàng hóa chủ yếu trong cơ cấu xuất nhập khẩu (Yean, 2001; Palanca, 2004; Woo, 2004, Devadason, 2009, Manarungsan, 2009; Chan, Lean, 2013).
2.3 Tình hình nghiên cứu về đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm nhập siêu với Trung Quốc
Quan hệ giữa giữa cơ cấu hàng xuất nhập khẩu và cán cân thương mại không được nhiều tác giả nghiên cứu riêng lẻ. Các tác giả nghiên cứu tổng quan về tình hình hơp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ ra rằng, chiến lược phát triển bền vững cho thương mại Việt-Trung là điều chỉnh cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của cả hai quốc gia (Trần Văn Thọ (2000, 2005), Chaponniere&Cling (2009), Nguyễn Ngọc Bảo (2010), Bùi Thúy Vân (2011), Zhang (2012)).
2.4. Khoảng trống nghiên cứu và hướng tiếp cận của luận án
2.4.1 Khoảng trống nghiên cứu
Thứ nhất, thiếu sự giải thích rõ ràng về mối liên hệ giữa cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu với cán cân thương mại:
Thứ hai, chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu riêng về việc đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm mục tiêu hạn chế nhập siêu với Trung Quốc.
Thứ ba, chủ thể đổi mới trong các nghiên cứu chỉ giới hạn ở Nhà nước và Doanh nghiệp, chưa có nghiên cứu nào đề xuất giải pháp đổi với Nhà khoa học..
2.4.2 Hướng nghiên cứu của luận án
Luận án kế thừa kết quả nghiên cứu của Bùi Trinh, Nguyễn Văn Huân (2011), Tô Trung Thành, Nguyễn Trí Dũng (2012), Lương Văn Khôi (2012) để kết luận nhập siêu của Việt Nam có nguyên nhân từ vấn đề cơ cấu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Yean (2001), Palanca (2004), Woo (2004), Devadason (2009), Manarungsan (2009), Chan, Lean (2013) khẳng định cán cân thương mại của các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philipines đã được cải thiện đáng kể cùng với sự nâng cấp của cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước này với Trung Quốc. Từ đó, nghiên cứu tìm ra các nhân tố tác động chung cho cả cơ cấu hàng xuất nhập khẩu và cán cân thương mại song phương. Thông qua hệ thống giải pháp của ba chủ thể là Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhà khoa học tác động vào các nhân tố này để đổi mới cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm nhập siêu với Trung Quốc giai đoạn 2018-2030.
3. Mục tiêu nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận án là đề xuất một số giải pháp đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu, từ đó hạn chế tình trạng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc trong dài hạn (đến năm 2030)
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
(1) Hệ thống hóa các vấn đề lý luận, xác lập một khung lý thuyết hợp lý có thể giải thích cơ chế tác động của cơ cấu hàng xuất nhập khẩu đến đến cán cân thương mại song phương.
(2) Phân tích thực trạng nhập siêu hàng hóa của Việt Nam với Trung Quốc và thực trạng cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung giai đoạn 2002-2016; Đánh giá tác động của cơ cấu này đến tình trạng nhập siêu giữa hai nước; Chỉ ra nguyên nhân cho những hạn chế trong đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung và phân tích thực trạng các thành tố tác động theo khung lý thuyết.
(3) Đưa ra hệ thống giải pháp đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc với ba chủ thể là Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhà khoa học.
(4) Nghiên cứu kinh nghiệm đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu để cải thiện cán cân thương mại với Trung Quốc của Malaysia và rút ra một số bài học cho Việt Nam.
3.3 Câu hỏi nghiên cứu
(1) Cơ chế tác động của cơ cấu hàng xuất nhập khẩu đến cán cân thương mại là gì?
(2) Thực trạng nhập siêu hàng hóa giữa Việt Nam với trung Quốc giai đoạn 2002-2016 như thế nào?
(3) Thực trạng cơ cấu hàng xuât nhập khẩu Việt Nam- Trung Quốc giai đoạn 2002-2016 như thế nào?
(4) Đâu là những nhân tố tác động chung đến cán cân thương mại và cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc?
(5) Có thể áp dụng bài học kinh nghiệm nào của Malaysia trong việc đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu để giảm nhập siêu với Trung Quốc?
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa Việt-Trung giai đoạn 2002-2016
Cán cân thương mại hàng hóa Việt-Trung giai đoạn 2002-2016
Cán cân thương mại và cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa của Malaysia và Trung Quốc
4.2. Phạm vi nghiên cứu
4.2.1. Phạm vi về thời gian nghiên cứu
Luận án lựa chọn khoảng thời gian nghiên cứu là từ năm 2002 đến năm 2016 là giai đoạn sau khi Trung Quốc gia nhập WTO. Đây là giai đoạn cán cân thương mại Việt-Trung bắt đầu thâm hụt trầm trọng, giá trị nhập siêu của Việt Nam tăng mạnh qua từng năm.
4.2.2 Phạm vi về không gian nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu thực trạng đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa và tình trạng nhập siêu giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc (không bao gồm Hongkong và Đài Loan).
4.2.3 Phạm vi về nội dung nghiên cứu
Luận án chỉ xem xét cán cân thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, không bao hàm hoạt động xuất nhập khẩu dịch vụ.
Mô hình Kim cương của Micheal Porter được áp dùng với mục đích xác định những nhân tố chung tác động đến cả cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu và cán cân thương mại song phương. Luận án không đi sâu phân tích so sánh lợi thế cạnh tranh quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Số liệu sử dụng là số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch, không bao gồm giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa tiểu ngạch.
5. Phương pháp và số liệu nghiên cứu
5.1. Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu định tính (Phương pháp thống kê, Phương pháp so sánh, Phương pháp phân tích-tổng hợp, Phương pháp phát phiếu điều tra)
5.2. Số liệu nghiên cứu
Luận án sử dụng các cơ sở dữ liệu thống kê thương mại của cả Việt Nam, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế như Cơ sở dữ liệu của Ủy ban thống kê Liên hợp quốc (UN Comtrade), Cơ sở dữ liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD Database), Cơ sở dữ liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC).
6. Đóng góp của luận án
6.1 Đóng góp về lý thuyết
(1) Luận án phân tích cơ chế tác động của cơ cấu hàng xuất nhập khẩu đến cán cân thương mai hàng hóa song phương thông qua áp dụng mô hình Kim cương của Micheal Porter để xác định các nhân tố ảnh hưởng chung đến cả cơ cấu hàng xuất nhập khẩu và cán cân thương mại song phương.
(2) Luận án xác định rõ khái niệm về “Đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu“ được sử dụng trong nghiên cứu.
(3) Luận án đưa ra ra tiêu chí để đánh giá mức độ đổi mới trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu song phương
(4) Luận án xác định chủ thể quyết định sự đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu không chỉ có Nhà nước, Doanh nghiệp và Người tiêu dùng mà còn có một đối tượng rất quan trọng là các Nhà khoa học.
6.2 Đóng góp về mặt thực tiễn
(1) Luận án phân tích tổng quan thực trạng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc giai đoạn 2002-2016, trong đó chia thành hai giai đoạn 2002-2010, 2011-2016.
(2) Trên cơ sở phân tích thực trạng cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung, luận án đánh giá tác động của cơ cấu hàng này đến nhập siêu song phương giai đoạn 2002-2016, đánh giá sự đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt-Trung giai đoạn 2002-2016.
(3) Luận án tìm hiểu kinh nghiệm đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu để giảm nhập siêu với Trung Quốc của Malaysia.
(4) Luận án đưa ra một số những cơ hội và thách thức đối cho Việt Nam khi đổi mới cơ cấu hàng hóa nhập khẩu nhằm giảm nhập siêu với Trung Quốc giai đoạn 2018-2030.
(5) Luận án xây dựng phương hướng đổi mới tổng thế cơ cấu hàng xuất nhập khẩu Việt Nam- Trung Quốc giai đoạn 2018-2030 và đề xuất năm nhóm hàng Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và ba nhóm hàng cần giảm nhập khẩu từ Trung Quốc để giúp lành mạnh hóa cán cân thương mại song phương.
(6) Luận án đề xuất một hệ thống giải pháp với ba chủ thể là Nhà nước, Doanh nghiệp và Nhà khoa học.
7. Kết cấu của luận án
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu nhằm hạn chế nhập siêu
Chương 2: Thực trạng đổi mới cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nhằm hạn chế nhập siêu với Trung Quốc giai đoạn 2002-2016
Chương 3: Đề xuất giải pháp đổi mới cơ cấu hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam nhằm hạn chế nhập siêu với Trung Quốc giai đoạn 2018-2030