LA09.043_Định hướng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam
v
1. Tính cấp thiết của đề tài
Theo số liệu do Tổng cục thống kê công bố, hiện nay phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Nếu phân loại theo quy mô lao động, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước tính đến tháng 4/2014 chỉ 2% doanh nghiệp có quy mô lớn, 2% là doanh nghiệp quy mô vừa còn 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, còn nếu tính cả các hộ cá thể thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới 99,9% (Vũ Tiến Lộc, 2014). Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có tốc độ tăng trung bình hàng năm rất lớn (doanh nghiệp siêu nhỏ tăng 24,7% trong khi doanh nghiệp nhỏ là 20,41%) (Sách trắng DNNVV 2011). Đến năm 2012, theo số liệu từ VCCI, các DNNVV sử dụng 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm. Trên phạm vi toàn thế giới, theo thống kê của OECD, DNNVV chiếm khoảng từ 96% – 99% trong tổng số doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, khối DNNVV đóng góp không nhỏ trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Mặc dù chiếm một tỷ trọng rất lớn và có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế nhưng công tác kế toán tại DNNVV hiện nay nhìn chung vẫn chưa được chú trọng. Nội dung tổ chức công tác kế toán chưa được gắn kết thành một hệ thống theo một trình tự khoa học mà được thực hiện một cách tùy tiện theo mục tiêu do chủ doanh nghiệp hoặc ban giám đốc đề ra nhằm để đối phó với cơ quan quản lý mà chủ yếu là cơ quan thuế chứ chưa thực sự mang lại thông tin kế toán hữu ích cho các đối tượng sử dụng. Sở dĩ có tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân nổi bật là do các quy định pháp lý về kế toán cho DNNVV chưa được nghiên cứu ban hành một cách riêng biệt, có hệ thống và phù hợp với thực tế hoạt động của DNNVV ở Việt Nam hiện nay. Có thể nói trong thời gian qua, công tác kế toán trong DNNVV ở nước ta được thực hiện dựa trên nền tảng khung pháp lý về kế toán áp dụng cho doanh nghiệp nói chung mà chủ yếu là cho doanh nghiệp có quy mô lớn và có một số điều chỉnh thông qua các văn bản pháp lý để có sự phù hợp nhất định đối với DNNVV, chứ thực sự chưa hình thành khung pháp lý về kế toán một cách độc lập để áp dụng phù hợp cho DNNVV ở nước ta. Chính điều này đã tạo ra lỗ hổng về mặt pháp lý trong tổ chức thực hiện kế toán cũng như tính nghiêm túc trong việc tuân thủ các văn bản pháp lý được ban hành.
Trong thời gian qua đã có nhiều công trình nghiên cứu có liên quan đến công tác kế toán tại DNNVV nhưng hầu như chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, có tính tổng thể về khung pháp lý kế toán áp dụng cho DNNVV. Xuất phát từ tình hình trên, chúng tôi chọn đề tài “Định hƣớng xác lập và áp dụng khung pháp lý về kế toán cho DNNVV ở Việt Nam” làm luận án
tiến sĩ