ThS08.017_Định hướng chiến lược Marketing du lịch Thành phố Dalat – Lâm Đồng đến 2020
1.Lý do chọn đề tài:
Du lịch đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử loài người, là một trong số những ngành kinh tế phát triển mạnh nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng, phong phú. Ngày nay, du lịch đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa – xã hội, một ngành kinh tế quan trọng ở nhiều quốc gia. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Du lịch không những có khả năng tạo ra nguồn thu nhập rất lớn cho xã hội mà còn góp phần thực hiện chính sách mở cửa, giao lưu văn hoá, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, giải quyết nhiều vấn đề mang tính chất xã hội.
Việt nam, với tiềm năng đa dạng phong phú, vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc vừa mang tính hiện đại. Đảng – nhà nước ta đã xác định: “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” trên cơ sở khai thác triệt để tiềm năng sẵn có để hội nhập. Với những đặc trưng đặc sắc của mình, Thành phố Dalat – Lâm Đồng đã có sức hấp dẫn về du lịch từ rất sớm (1907) nay đã tròn 100 tuổi và được biết đến như là một trung tâm du lịch nổi tiếng với những lợi thế so sánh mà các địa phương khác phải ao ước.
Được sự ủng hộ của Đảng và nhà nước, gần đây du lịch Dalat đã có bước khởi động khá. Tuy nhiên, quy mô và chất lượng các loại hình du lịch của Dalat chưa ngang tầm với tiềm năng, hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch còn rất khiêm tốn, chưa quảng bá được hình ảnh một cách rộng khắp để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Mặc dù đã có những định hướng được ưu tiên đặc biệt, nhưng đến nay nhìn chung cơ sở – vật chất du lịch Lâm Đồng vẫn chưa tích cực phát huy hết lợi thế của mình và cũng chưa khai thác đúng mức tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Sản phẩm du lịch hầu hết khá đơn điệu, trùng lắp; chất lượng các dịch vụ còn yếu, các điểm và tuyến du lịch đa số chỉ mới được đầu tư mức nhỏ lẻ trên cơ sở khai thác các địa danh du lịch sẵn có.
Xuất phát từ thực tiễn thiết thực và tính cấp bách của vấn đề, chúng tôi chọn đề tài: “Định hướng chiến lược Marketing du lịch Thành phố Dalat – Lâm Đồng đến 2020”
2.Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu thị trường Du lịch trên địa bàn Dalat nhằm tìm hiểu hiện trạng hoạt động của ngành Du lịch Thành phố Dalat – Lâm Đồng và phân tích đánh giá môi trường, thực trạng Marketing của ngành du lịch. Qua đó vận dụng rút ra một số vấn đề Marketing du lịch cốt lõi cần quan tâm trong thời gian tới, đồng thời đề xuất một số chiến lược Marketing du lịch mới nhằm cùng chính quyền địa phương quảng bá hình ảnh của mình trong nhận thức của khách du lịch, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới. Góp phần điều chỉnh, hoàn thiện định hướng phát
triển du lịch Dalat – Lâm Đồng đến năm 2020 một cách chủ động, toàn diện và bền vững, từng bước đưa ngành du lịch Dalat Lâm Đồng trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh.
3.phạm vi nghiên cứu:
Nội dung hoạt động du lịch rất đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều chức năng khác nhau với không gian và thời gian vô cùng. Do khả năng đầu tư có hạn, chúng tôi không hy vọng có thể giải quyết trọn vẹn, chuyên sâu tất cả các vấn đề có liên quan đến đề tài. Chỉ xin giới hạn phạm vi nghiên cứu như sau:
– Phân tích toàn cảnh ngành du lịch của toàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó tập trung phần lớn vào Thành phố Dalat, vì theo đánh giá của các chuyên viên thì tỷ trọng du lịch Dalat trong nhiều năm qua chiếm từ 70 – 80% hoạt động du lịch toàn tỉnh.
– Chủ yếu chú trọng vào mô tả, đánh giá, phân tích các chức năng hoạt động trong lĩnh vực Marketing du lịch của địa phương. Từ đó đề xuất đưa ra giải pháp chiến lược thích hợp. Các chức năng khác như đầu tư, đào tạo, tài chính, sinh học…cũng như chương trình, kế hoạch hay giải pháp Marketing du lịch nhằm cụ thể hóa việc triển khai, giám sát thực hiện tiếp theo của các chiến lược mà đề tài mới đề xuất, sẽ không đi sâu.
4.Phương pháp nghiên cứu:
Việc nghiên cứu và đánh giá các vấn đề trong đề tài chủ yếu dựa trên các cơ sở khoa học và phương pháp luận nghiên cứu sau:
– Hệ thống lý thuyết về quan điểm du lịch, Marketing, chiến lược và cụ thể là chiến lược Marketing du lịch cho một địa phương. Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, vận dụng một cách tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Khảo sát hiện trạng – thu thập và xử lý các thông tin, số liệu, chỉ tiêu hiện hành để đánh giá tổng quát về các nguồn tài nguyên du lịch và tình hình sử dụng chúng trong các hoạt động Marketing du lịch địa phương.
– Phương pháp xử lý tại bàn giấy thông qua việc quan sát hiện trường, qua tham khảo ý kiến của các chuyên gia và phiếu khảo sát thăm dò khách hàng. Sử dụng các công cụ trong Marketing – Mix (áp dụng mô hình 7P) để tổng hợp, phân tích, đánh giá một số chỉ tiêu thể hiện tính hiệu quả của hoạt động Marketing (nhận định thương hiệu) du lịch của địa phương so với cả nước và khu vực trong những năm gần đây. Trên cơ sở đó, kết hợp những mục tiêu, định hướng phát triển du lịch của địa phương mới được chính phủ phê duyệt, sử dụng các kỹ thuật về dự báo xu hướng theo ma trận … đề tài sẽ sẽ nêu ra một số chiến lược Marketing cốt lõi và các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp cho định hướng phát triển ngành du lịch Thành phố Dalat trong 15 năm tới thực thi hiệu quả.
5.Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài:
Du lịch đang là ngành kinh tế có tính cạnh tranh cao. Chấp nhận cạnh tranh và tìm kiếm con đường riêng cho mình là con đường phát triển tất yếu của Việt Nam nói chung và Dalat nói riêng. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung trình bày về chiến lược Marketing với ý nghĩa là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào việc xác định mục tiêu, chiến lược, giúp các nhà hoạch định tìm kiếm con đường riêng cho du lịch Dalat.
Qua nghiên cứu và phân tích xu hướng chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020 của Dalat, bước đầu đề tài có thể rút ra một số kết luận cơ bản sau:
Việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 là bước cụ thể hóa chủ trương đường lối phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện mục tiêu nghị quyết của Tỉnh về đột phá, tăng tốc phát triển du lịch Dalat xứng đáng là một trong những địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước. Trước tình hình thế giới và trong nước những năm đầu thế kỷ XXI có nhiều thay đối với du lịch. Du lịch Lâm Đồng cần phải có chiến lược phát triển dài hạn phù hợp, đặc biệt là định hướng chiến lược Marketing du lịch của Thành phố Dalat, để có giải pháp tối ưu nhất trong xu thế hội nhập. Bởi, thực tế nhận thức quan điểm Marketing của du lịch Dalat – Lâm Đồng trong thời gian qua rõ ràng là còn nhiều bất cập, hạn chế không nhỏ đến sự thu hút du khách và tiến trình phát triển của toàn ngành du lịch địa phương.
Vì điều kiện thời gian có giới hạn, nên mặc dù đã cố gắng nhưng đề tài chắc có thể chưa đi sâu phân tích hết các khía cạnh, chi tiết có liên quan. Kính mong Thầy hướng dẫn và Hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp cho ý kiến đóng góp thêm để đề tài được hoàn thiện hơn. Hy vọng sau khi ra mắt, đề tài có thể giúp các nhà quản trị du lịch địa phương vận dụng được phần nào đó vào thực tiễn trong thời gian tới