ThS33.020_Di cảo Nguyễn Minh Châu
1. Lí do chọn đề tài
Nguyễn Minh Châu là nhà văn có vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Quá trình sáng tác của ông gắn liền với sự trưởng thành một nhà văn chiến sĩ. Ông đã cùng đồng đội trải qua những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và giai đoạn thăng trầm của thời kỳ hậu chiến. Sự nghiệp văn chương của ông là tấm gương phản chiếu quá trình vận động và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu từ Cửa Sông (1967); Dấu chân người lính (1972); Những vùng trời khác nhau (1970); Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà (1977); Những người đi từ trong rừng ra (1982) đến Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983); Bến quê (1985); Mảnh đất tình yêu (1987); Chiếc thuyền ngoài xa (1987); Cỏ lau (1989); đã cho thấy sự đổi mới của nhà văn trong tư duy nghệ thuật, khởi đầu từ cuộc“chiến đấu cho quyền sống của cả dân tộc” chuyển sang “cuộc chiến đấu cho quyền sống của từng con người”.
Là nhà văn tâm huyết, suốt đời trăn trở, băn khoăn về lẽ sống và sáng tạo, Nguyễn Minh Châu đã âm thầm “tự đổi mới trước khi làn sóng đổi mới dâng lên mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của dân tộc”. Trên “hành trình tư tưởng” của mình, nhà văn đau đáu tìm cội nguồn đích thực của một nền văn học mang tính nhân bản và nhân loại, khám phá những vấn đề thuộc về số phận con người.
Những năm gần đây, Di cảo của một số nhà văn, nhà thơ như: Nhật kí Nguyễn Huy Tưởng (2006), Dương Thị Xuân Quý – Nhật kí – Tác phẩm (2007); Di cảo Lưu Quang Vũ (2008); Di cảo thơ Chế Lan Viên (1992); Di cảo thơ Phùng Khắc Bắc (1994)… đã trở thành một hiện tượng khá đặc biệt trong đời sống văn học. Với Di cảo Nguyễn Minh Châu (2009) cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Những cuốn Di cảo – một dạng của nhật kí đã cho người đọc hiểu hơn một thời kì lịch sử đã qua về cuộc đời và những sáng tác gắn với thời đại, dân tộc và với chính họ. Hơn hai mươi năm Nguyễn Minh Châu vĩnh biệt cõi đời, song ông đã trở thành “người trong cõi nhớ” của người thân và độc giả. Những trang Di cảo, những ghi chép của ông được người bạn đời là bà Nguyễn Thị Doanh nâng niu, cất giữ bấy lâu nay đã được công bố. Di cảo Nguyễn Minh Châu đã cho chúng ta thấy không chỉ sự thật của một giai đoạn lịch sử: Cuộc chiến tranh, số phận con người, số phận dân tộc cùng những trăn trở, suy tư của nhà văn với ý thức công dân – nghệ sĩ của mình mà còn giúp người đọc hình dung một cách đầy đủ hơn về Nguyễn Minh Châu, một trong số hiếm hoi các cây bút đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học, bằng những trang viết của mình đã làm rạn nứt những quan niệm khô cứng một thời về văn học và lao động nghệ thuật.
Lâu nay sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu gồm những tác phẩm được xuất bản, công bố đã thu hút sự quan tâm của giới sáng tác và nghiên cứu phê bình. Nhưng Di cảo của nhà văn – những ghi chép còn lại trong di sản văn chương của ông đến hôm nay mới chính thức ra mắt công chúng. Với gần 500 trang, cuốn Di cảo Nguyễn Minh Châu đã phơi tỏ, bổ sung thêm những điều còn chìm ẩn trong cảm nghĩ, nhận thức, với những trăn trở, khát khao sống và sáng tạo của nhà văn. Như vậy, tìm hiểu Di cảo Nguyễn Minh Châu không chỉ để hiểu hơn chân dung đích thực và hoàn chỉnh
về nhà văn mà còn là cơ hội để nhìn nhận thấu đáo hơn về sự nghiệp văn học cùng những đổi mới có ý nghĩa quan trọng trong tư duy sáng tạo của ông trong cả một quá trình sống và viết. Đó là những gợi dẫn cho chúng tôi lựa chọn đề tài Di cảo Nguyễn Minh Châu