ĐH02.001_Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam
1. Tính cấp thiết và ý nghĩa của đề tài
Trải qua hơn 20 năm đổi mới, ngành ngân hàng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, luôn giữ vai trò quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, là hơi thở trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, là nhân tố không thể thiếu để tập trung nguồn lực vốn cho phát triển đất nước. Những thành tựu kinh tế xã hội rực rỡ mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế là có sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng. Cũng vì lẽ đó mà hoạt động ngân hàng rất nhạy cảm, nếu không tạo điều kiện đảm bảo an toàn thì dễ gây tổn thương nặng nề cho nền kinh tế.
Việc mở cửa thị trường ngân hàng, tài chính là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhậpWTO đã mang lại rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho hệ thống NHTM Việt Nam. Các NHTM Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn từ các ngân hàng nước ngoài đến từ các khu vực tài chính phát triển như Mỹ, Châu Âu, Singapore, Nhật Bản, … và chịu tác động của những biến động trên thị trường tài chính quốc tế nhiều hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu kéo dài từ năm 2008 và đến nay vẫn còn để lại hậu qua nặng nề ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ mà nguyên nhân chính là sự yếu kém của hệ thống NHTM. Điều đó buộc các quốc gia phải quan tâm, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các NHTM. Việc tái cấu trúc hệ thống NHTM đã trở nên phổ biến và cấp thiết ở mỗi quốc gia để đảm bảo cho các NHTM thích nghi được với nhu cầu phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầu biến động. Ở Việt Nam, khi mà thị trường chứng khoán chưa phát triển, gánh nặng về vốn còn dồn lên vai các NHTM thì việc giữ cho hệ thống NHTM ổn định và lành mạnh càng cần phải đặc biệt quan tâm.
Đến nay, có thể nói nền kinh tế cũng như hệ thống NHTM Việt Nam đã cơ bản vượt qua cơn khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, những hệ lụy của nó đã bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng đó là: thanh khoản khó khăn, nợ xấu có dấu hiệu tăng cao, năng lực quản trị điều hành hạn chế, sản phẩm dịch vụ nghèo nàn, lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động tín dụng, rủi ro cao ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, … Bên cạnh đó, vấn đề sở hữu chéo; hệ thống mạng lưới các NHTM phát triển với tốc độ quá nhanh, số lượng nhiều, chất lượng hoạt động chưa cao, không ít NHTM hoạt động vì lợi ích cục bộ, chạy đua lãi suất gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Do đó, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ có nguy cơ xảy ra rủi ro gây mất an toàn hệ thống.
Xuất phát từ nhận thực về tầm quan trọng của tái cấu trúc hệ thống NHTM và với mong muốn đề ra các giải pháp hữu ích nhằm đóng góp cho quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam thành công, tác giả chọn đề tài: “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam” làm đề tài luận án nghiên cứu sinh kinh tế tài chính, ngân hàng của mình.
2. Tổng quan về công trình nghiên cứu
Liên quan đến nội dung “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam” đã có một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như sau:
– Tác giả Nguyễn Hồng Sơn, bài viết “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý về tư duy cho Việt Nam” tại Hội thảo quốc tế “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng” ngày 21 tháng 11 năm 2011, trình bày các vấn đề sau: (i) Lý do tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng hoặc một ngân hàng lớn bị rơi vào khủng hoảng; (ii) vì sao cần thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; (iii) những nguyên tắc cần đảm bảo trong quá trình tái cấu trúc; (iv) NHTW độc lập và tăng cường năng lực. Như vậy bài viết trên chỉ trình bày được lý do tái cấu trúc ngân hàng chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế, mà chưa coi tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là công việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục để duy trì sự ổn định và phát triển. Bài viết cũng chưa đánh giá được thực trạng tái cơ cấu hệ thống NHTM và cũng chưa đề cập đến giải pháp tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam.
– Tác giả Sameer Goyal, bài viết “Tái cấu trúc hệthống ngân hàng có vấn đề, các bài học từkinh nghiệm toàn cầu “tại Hội thảo quốc tế”, “Tái cấu trúc hệthống ngân hàng” ngày 21 tháng 11 năm 2011, đềcập đến: (i) Động cơtái cấu trúc; (ii) Mục tiêu tái cấu trúc (duy trì sự ổn định của hệthống ngân hàng, ngăn ngừa sựlây lan, khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng); (ii) Những thách thức đối với ngành ngân hàng Việt Nam, dẫn chứng những bất ổn của hệthống ngân hàng Việt Nam và (iii) Gợi ý giải pháp tái cấu trúc. Bài viết trên nhấn mạnh những dấu hiệu cho thấy bất ổn của ngành ngân hàng Việt Nam và chỉdẫn những kinh nghiệm tái cấu trúc ngân hàng. Tuy nhiên bài viết cũng chỉ nêu được những vấn đề tổng quát và các giải pháp chỉ dừng lại ở kinh nghiệm.
Nhìn chung, trong tất cả các nghiên cứu mà tác giả có điều kiện tham khảo về các nội dung liên quan đến tái cấu trúc NHTM Việt Nam, cho tới thời điểm hiện nay chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu sâu về tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam trong bối cảnh từ 2008 đến 2012 và đề xuất các giải pháp đến 2020. Vì vậy, trong luận án, tác giả đã nghiên cứu cơ sở lý luận về NHTM và tái cấu trúc hệ thống NHTM; ý nghĩa của việc tái cấu trúc hệ thống NHTM, nội dung tái cấu trúc hệ thống NHTM; các biện pháp tái cấu trúc hệ thống NHTM và kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc hệ thống NHTM.
3. Mục tiêu nghiên cứu
– Hệ thống hóa cơ sở lý luận về tái cấu trúc hệ thống NHTM
– Phân tích thực trạng hoạt động và thực trạng tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam nhằm chỉ ra những hạn chế trong cấu trúc của hệ thống NHTM Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2012. Đồng thời xác định nguyên nhân của những hạn chế trong cấu trúc của hệ thống NHTM Việt Nam.
– Đề xuất hệ thống giải pháp, kiến nghị góp phần thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam đến 2020.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
– Đối tượng nghiên cứu: Tái cấu trúc hệ thống NHTM
– Phạm vi nghiên cứu về nội dung: Tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam là một phạm trù rộng nên luận án tập trung vào nghiên cứu những vấn đề: tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc hệ thống quản trịvà tái cấu trúc sở hữu.
– Phạm vi nghiên cứu về không gian: được giới hạn tại mười hai NHTM đại diện cho các nhóm NHTM được phân chia theo hình thức sởhữu (NHTM Nhà nước và NHTM cổphần, trong đó NHTM Nhà nước bao gồm NHTM do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệvà NHTM cổphần do Nhà nước sởhữu trên 50% vốn điều lệ) và vốn điều lệ tính đến ngày 31/12/2012, bao gồm: BIDV, VCB, Vietinbank, Eximbank, Techcombank, MB, ACB, Sacombank, Maritimebank, Saigonbank, Bao Viet bank, Ocean bank.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án dựa trên phương pháp thống kê, mô tả, phân tích định tính, so sánh, quy nạp, tổng hợp, logic, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn cùng tham khảo các tài liệu để thực hiện nghiên cứu.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các từ viết tắt, danh mục các bảng biểu, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục nội dung của luận án gồm 03 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại
Chương 2: Thực trạng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Chương 3: Giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.